Archive | July 17, 2019

Chuyện về người phụ nữ sáng lập ngành điều dưỡng

Là con gái một gia đình giàu có ở Anh, Florence Nightingale (1820-1910) luôn được cha mẹ kỳ vọng là sẽ trở thành một người có vai vế. Tuy nhiên, cô lại có những dự tính riêng. Từ tuổi 16, Florence nhận ra mình đã được Chúa ban cho một sức mạnh nội tâm huyền bí để chăm sóc người khác.

 


Florence Nightingale.

 

Florence có tư chất thông minh, thích đọc sách về triết học, tôn giáo, chính trị và cảm thấy rất thú vị khi chăm sóc cho những nông dân bị đau ốm và cả súc vật nuôi trong gia đình. Niềm đam mê của nàng là bí mật tìm đọc các sách dạy cách chăm sóc người bệnh mà nàng thu thập được, rồi đi thăm các bệnh viện tại London và những vùng lân cận.

Khi Florence thông báo là không muốn trở thành người có địa vị trong xã hội, gia đình đã hết sức tức giận. Cha mẹ nàng không hề muốn con mình làm những việc “dơ bẩn” nên đã tìm đủ cách ngăn cản để thay đổi suy nghĩ của con. Chị nàng thì giả vờ ngất, mẹ nàng mắng con là làm điều trái luân lý… Đầu thế kỷ thứ 19, việc phụ nữ làm nghề chăm sóc cho bệnh nhân hay theo học ngành y là một điều sỉ nhục đối với những cô gái “con nhà”. Không trường y nào chịu nhận phái nữ vì cho rằng họ không thể học được, cũng không thể thích nghi với những cách làm việc trong môi trường máu me. 

Tuy nhiên, tiểu thư Nightingale vẫn trung thành với lý tưởng đã đặt ra và tiếp tục đấu tranh với gia đình. Cuối cùng, nàng đạt được một thỏa hiệp với cha, rằng nếu được đến bệnh viện Kaiserwerth ở Đức để học tập, nàng sẽ tuyệt đối không tiết lộ cho ai biết về kế hoạch của mình. Florence đã trở thành một sinh viên xuất sắc và khi đã tốt nghiệp, nàng theo học thêm ở Paris (Pháp) vào năm 1853. Sau đó, nàng trở lại London và điều hành một bệnh viện.

Florence không muốn lập gia đình để toàn tâm theo đuổi các hoạt động xã hội. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại thủ đô nước Anh, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đầy quyền uy tại các bệnh viện ở xứ sở sương mù.

Sau đó, theo yêu cầu của chính phủ Anh, Florence đồng ý đến Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến Crimée (1854-1856) với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh tại mặt trận. Trong thời gian này, Florence đã tổ chức bệnh viện dã chiến tại mặt trận. Đây là những hoạt động đầu tiên trong việc xây dựng các bệnh viện tân tiến có sự quản lý điều trị của đội ngũ điều dưỡng.

Trong suốt cuộc chiến Crimée, bà đảm nhiệm công tác điều dưỡng, săn sóc cho các thương bệnh binh và chỉ huy 38 nữ điều dưỡng lên đường ra mặt trận. Lúc này, bệnh viện tiền phương được đặt trong một doanh trại khổng lồ và bẩn thỉu. Florence đưa ra yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng, đồng thời tìm cách xoay xở để được cung cấp các phương tiện y tế cần thiết. Chính bà là người quan tâm rất nhiều đến công tác vệ sinh vô trùng để giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn từ 42% xuống còn 2%.

Florence từng viết: 

“Tôi đứng bên mộ những chiến sĩ đã hy sinh vì bệnh tật. Và trong khi còn sống, tôi sẽ đấu tranh chống lại những nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ”.

Trong suốt 34 năm, bà đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ sức khỏe cho các chiến binh Anh, đồng thời ra sức cải thiện điều kiện vệ sinh ở nước này và Ấn Độ (thuộc địa Anh thời đó). Trong thời gian này, bà đã tổ chức lại hệ thống điều dưỡng một cách hiện đại.

Trong đêm tối, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã âu yếm đặt cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Nightingale đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và cũng được mọi người gọi là “Thiên thần trong bệnh viện”.

Nhưng chính cuộc chiến Crimée đã gieo cho Florence Nightingale căn bệnh sốt, gọi là sốt Crimée (chính là bệnh brucellosis truyền từ gia súc). Trong những năm 1858-1888, sức khỏe bà ngày càng suy yếu rồi đến lúc không còn đi lại được. Tuy vậy, Nightingale không cô đơn vì hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ đến bà. Trong suốt cuộc nội chiến tại Mỹ, chính phủ nước này đã luôn tham khảo và xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường.

Khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Nhưng bà đã dùng tất cả số tiền này thành lập trường điều dưỡng Nightingale với chương trình đào tạo một năm. Từ đấy, Florence được coi là người sáng lập ra ngành điều dưỡng thế giới và ngày sinh 12/5 của bà trở thành ngày truyền thống của ngành điều dưỡng.

Florence Nightingale ra đi vào giấc ngủ trưa ngày 13/8/1910. 

Trong dịch SARS năm 2003 tại Trung Quốc, các chương trình văn hóa nhằm ca tụng tinh thần hy sinh của đội ngũ y tế được đặt tên là “Chương trình Nightingale”. Điều đó cho thấy ảnh hưởng và vai trò quan trọng của bà đối với công tác điều dưỡng.

 

DS. Trương Tất Thọ, Sức Khoẻ & Đời Sống
4/7/2004

Kinh hoàng bởi trận chiến Solférino, Henri Dunant thành lập Hội Chữ Thập Đỏ




fr.aleteia.org, Caroline Becker, 2018-05-08

Ngày 8 tháng 5 kỷ niệm ngày quốc tế thế giới Chữ Thập Đỏ, ngày này là ngày sinh nhật của ông Henri Dunant, người Thụy Sĩ, nhà sáng lập Hội Chữ Thập Đỏ được ông thành lập cách đây 150 năm.

Ngày 24 tháng 6 năm 1859, là chứng nhân của trận chiến Solférino (Lombardi) giữa quân đội Pháp của Napoléon III quân đội Áo của François-Joseph, ông Henri Dunant quá kinh hoàng trước cảnh ông chứng kiến. Tổn thất của cả hai bên quá nặng nề, gần 40 000 thi thể phơi ở trận chiến.

Vào thời đó, các dịch vụ y tế thiếu thốn, các điều kiện vệ sinh chưa đủ nên quân nhân bị nhiễm trùng rất nhiều. Các người bị thương được khẩn cấp đưa về thành phố nhỏ Castiglione delle Stivierie ở cách đó mười mấy cây số, họ được săn sóc trong các cơ sở công cộng hoặc được dân làng săn sóc.

Giữa chiến trường của đau khổ

Ông Henri Dunant lúc đó 31 tuổi, là tín hữu kitô và là thương gia, khi đến gần Solférino, ông thấy cảnh kinh hoàng của chiến tranh. Kinh nghiệm này đã tác động mãnh liệt trên ông, đến mức vài năm sau ông xuất bản quyển sách có tên Một kỷ niệm ở Solférino năm 1862. Ông viết: “Người nào hôm qua băng qua chiến trường mênh mông khốc liệt này đều thấy ở đây, trên từng bước đi , lòng mình ngổn ngang với các nỗi tuyệt vọng không diễn tả được, các khốn cùng đủ mọi cảnh”.

Với tấm lòng nhân bao la, ông Henry Dunant không thể dửng dưng trước cảnh bất hạnh này. Cùng với sự giúp đỡ của dân chúng, ông ra tay cứu giúp và quyết định giúp đỡ mọi binh lính, không kể họ thuộc phe nào. Sáng kiến này đánh dấu bước đầu căn bản của phong trào Chữ Thập Đỏ: trung lập hóa các dịch vụ y tế quân đội trên chiến trường. Hết sức dấn thân trong nhiệm vụ này, ông Dunant đích thân săn sóc người bị thương trong nhiều tuần trước khi về lại nhà ông ở Genève, Thụy Sĩ. Nhưng kỷ niệm của các cơ thể bị thương in hằn trong trí ông làm cho ông không có một đời sống bình thường. Bị kinh hoàng vì những gì đã thấy, ông quyết định dấn thân hết mình vào cuộc chiến nhân đạo này.

An ủi các nạn nhân

Ông viết thư cho bà bá tước Gasparin, nhà sáng lập trường y tá ở Lausanne, Thụy Sĩ, ông xin bà giúp đỡ. Bà liên lạc với Hội Phúc Âm Genève, Hội gởi ban cấp cứu đến thành phố Castiglione. Nhưng không may, hai tháng sau trận chiến, tổn hại còn gấp đôi. Ông Dunant không thể giải quyết được thực trạng này, ông quyết định xuất bản quyển sách về trận chiến Solférino để cuộc chiến này được nhiều người biết đến. Ông bỏ công việc và gởi quyển sách mình đến các nhân vật chính trị có trách nhiệm, đến các nhà lãnh đạo quân đội và các nhà trí thức trên toàn Âu châu. Ông nói lên ước mong của mình là thành lập các tổ chức nhân đạo trên tất cả các nước, dựa trên sự trung lập và thiện nguyện. Tóm tắt, ông Dunant muốn tất cả những người bị thương, dù ở chiến tuyến nào cũng được săn sóc xứng đáng và các bác sĩ, y tá làm việc mà không sợ bị kẻ thù bắt. Quyển sách đã có một tiếng vang đáng kể và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Sự hình thành Hội Chữ Thập Đỏ

Năm 1863, Hội hữu dụng công cộng Genève quan tâm đến các vấn đề ông Dunant đưa ra, Hội thành lập Hội đồng Năm nước. Nhưng để thực hiện được công việc này, cuộc đấu tranh còn nhiều hơn. Họ muốn nới rộng ra thêm nhiều nước. Như vậy phải thuyết phục các nhà lãnh đạo Âu châu! Đó là chuyện họ làm một năm sau: các đại diện của 12 nước, trong đó có nước Pháp ký bản Công ước Genève đầu tiên, thành lập Hội Chữ Thập Đỏ. Ngày 22 tháng 8 năm 1864, Hội với quyền quốc tế nhân đạo ra đời.





Chủ yếu xây dựng trên các đề nghị của ông Dunant, Công ước Genève nổi tiếng này khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng các nạn nhân chiến tranh, đối xử bình đẳng cho mỗi bên, không được vi phạm đến thiết bị y tế và nhìn nhận các tổ chức cấp cứu quốc gia. Một dấu hiệu ra đời: chữ thập đỏ trên nền trắng, chỉ là đổi ngược màu cờ của Thụy Sĩ. Qua năm tháng, Hội đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ, Ba Tây, Nam Phi, Nhật, Trung quốc… Hội Chữ Thập Đỏ can thiệp chủ yếu trong các cuộc xung đột vũ trang, nhưng dần dần Hội nới rộng tầm hoạt động của mình, Hội giúp tất cả các nạn nhân, quân đội cũng như thường dân.

Con người của hòa bình

Đối với ông Henry Dunant, người rất sâu đạo, việc thành lập Hội Chữ Thập Đỏ là mục đích tối hậu đời ông và thể hiện con người của ông: một người có tấm lòng nhân sâu đậm. Từ khi còn ở tuổi vị thành niên, ông dành ra các buổi chiều để đi thăm tù nhân và giúp đỡ những người khốn cùng nhất. Năm 1901, ông được Giải Nobel hòa bình. 

“Còn hơn là Chữ Thập Đỏ, hòa bình thế giới ở trong tâm hồn tôi. Chữ Thập Đỏ chỉ là kết quả của lòng khát khao hòa bình của tôi”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
phanxicovn 
09/05/2018