Nói Nhỏ Với Nhau

Mỗi xã hội đều có những nguyên tắc sống mà mọi người phái tuân thủ để không bị cô lập, bị tách rời ra khỏi cộng đồng. Nguyên tắc sống này bao trùm tất cả mọi lãnh vực, từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, từ chuyện nhỏ như xỉa răng cho tới chuyện lớn như phép xử thế đối với tất cả mọi người, từ kẻ ăn xin cho tới bậc vua chúa.

Mỗi người đều có thể được giáo dục nguyên tắc sống này từ gia đình hoặc nhà trường, – nói gọn là phép lịch sự — và được coi là người có giáo dục. Tuy nhiên, đời sống bận rộn, lắm khi do hối hả đã khiến cho một số người quên mất những điều đã học.

Trong những ngày Xuân, chúng ta luôn có những tiệc tùng, hội họp, ăn uống vui đùa cùng bằng hữu thân nhân để xả hơi cho tâm hồn được thỏai mái sau một năm làm việc cực nhọc. Cho nên chúng ta nhắc nhở nhau một vài điều cần thiết trong cung cách ứng xử hằng ngày mà nhiều khi đã bị lãng quên, thiết tưởng dù dư cũng còn hơn thiếu.

Có câu “Đói ngày giỗ cha, No ba ngày Tết”, ý nói dù nhà nghèo, ngày giỗ cha cũng phải nhịn đói để nhường thực phẩm cho khách, còn ba ngày Tểt thì đi đâu cũng được gia chủ mời ăn nên lúc nào cũng được no nê. Vậy nên chúng ta hãy cùng nói nhỏ với nhau khi có dịp gặp gỡ bạn bè, người thân ăn uống để mà “ăn uống sao cho coi được “.

Thỉnh thoảng Hương có dịp xem một vài phim ngoại quốc, nhìn thấy cách ăn uống của người Tây Phương thường rất êm đềm, nhỏ nhẹ, không nghe tiếng ly tách thìa muỗng chạm vào nhau, khi nhai thì miệng luôn kín đáo và họ chỉ nói khi miệng đã trống, không còn thức ăn.

Nhưng một vài phim của nước Á Châu kia lại cho thấy hành động khá tương phản. Như trong một màn chiếu lên thấy có cái món lấy rau cuốn thịt. Một diễn viên bảo người mà họ muốn tíếp đồ ăn hãy há mồm lên tiếng a. . . a . . . a . . . . Khi mồm người kia đã há rộng, diễn viên sắm vai người bạn tốt bụng bèn nhét ngay cả một búi rau cuốn thịt vào mồm kẻ đang há to. Phim là giả tưởng, nhưng nếu phô bầy cái “văn hóa ăn” kiểu này thì ngoài đời sẽ có lắm kẻ đến chết nghẹn mất thôi!

Hoặc giả có một màn trình chiếu cái món gì giống món lẩu, nhưng lại là một nồi sôi sùng sục đề ngay giữa bàn, mọi người đều cho luôn cái muỗng riêng của mình vào chắt một muỗng đem ra húp sùm sụp khoái trá, rồi cứ thế vục muỗng vào nếm tiếp, nếm tiếp…. Ôi ! Như thế thì cả bàn tiệc chung vui lại có dịp thưởng thức chung cả đám vi khuẩn từ miệng của nhau chăng?

Vậy thì truyền thống ăn uống của người Việt Nam chúng ta khi ăn chung với nhau có như vậy không ?

Trước nhất, nói về đại gia đình Việt Nam gồm 3 thế hệ là ông bà, cha mẹ, con cái. Trong bữa ăn, cả nhà đều quây quần với nhau quanh một mâm cơm hay bàn ăn.

Khi ngồi vào bàn, chỗ ngồi danh dự sẽ dành cho ông bà, nếu không có ông bà thì là chỗ của cha mẹ. Cạnh ông bà là cha mẹ, rồi mới tới các con ngồi chung quanh. Trước khi ăn, cha mẹ mời ông bà :

– Mời thầy mẹ (hoặc có khi gọi thay con bằng đại danh từ “ông bà”) xơi cơm.

Có nơi nói là:

– Mời ba má dùng cơm … vân …vân. . .

Sau khi cha mẹ mời, tới phiên các con mời ông bà, rồi tới mời cha mẹ, rồi tới các em nhỏ mời ông bà, cha mẹ và các anh, các chị. Sau đó, bữa ăn mới bắt đầu.

Có người thắc mắc:

– Sao lại phải “mời” như thế cho nó mất thì giờ?

– Ấy nhưng chính cái đó gọi là lễ giáo đấy !

So với thởi giờ mà ông bà, cha mẹ đã dùng để làm lụng cực nhọc nuôi con thì thời giờ “nói lên lời mời” của con cháu chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ. Mà tuy là khoảnh khắc nhỏ, nhưng lời mời cũng lại nói lên sự kính cẩn và lòng tôn trọng các bậc trưởng thượng,cung kính với sự có mặt danh dự của bậc trưởng thượng trong gia đình.

Tục ngữ có câu “ăn có mời làm có khiến”. Ông bà cha mẹ Việt Nam tới chơi nhà con, thường không tự mở tủ lạnh lấy đồ ra ăn, mà chỉ thưởng thức đồ ăn do con cái đem ra bày lên bát đĩa khay chén đàng hoàng. Câu “miếng ăn là miếng nhục “, “miếng ăn là miểng tồi tàn” thường được thế hệ xưa khắc ghi trong tâm và truyền cho con cái phải ghi nhớ.

Cho nên, trong bữa ăn thường ngày, chỉ sau khi các con mời rồi, cha mẹ mới cầm đũa, và chỉ sau khi cha mẹ nâng bát cơm lên, con cái mới bắt đầu ăn, đó là tác phong, là thói quen của các gia đình nền nếp.

Nhân nói đến việc “mời”, xin kể một câu huyện vui do hiểu lầm.

Trong một kỳ họp mặt bạn bè, nhân ngà ngà say, ông bạn miền Nam chỉ ngay một ông Bắc Kỳ và cất giọng lè nhè:

– Mấy cha giả dối thấy bà. Đang ăn cơm ngon lành mà có người ghé chơi, bày đặt “mời anh dùng cơm”. Người nghe tưởng thật, bèn ngồi xuống tính ăn. Thế là cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, nồi cơm trơ ra miếng cháy mà mời cái giống gì? Đúng là mời rơi, cái đồ nói dóc!

Ông bạn Bắc Kỳ cườỉ chẩy nước mắt, lấy khăn ra chùi rồi mới giải thích:

– Ối ông ơi, mấy cha nhớ lộn, “chữ tắc đánh ra chữ tộ, chữ ngộ đánh ra chữ nị” nó hại ông rồi. Bắc Kỳ chỉ “mời” những người cùng ăn thôi. Còn nếu họ đang ăn mà có ai ghé chơi thì họ chỉ nói: “Xin thất lễ… ” hoặc: “Xin vô phép . . . ” . Câu ấy có nghĩa là “tụi tôi xin lỗi quí vị để được tiếp tục ăn, quí vị cảm phiền ngồi chơi.”, chứ không có vụ “mời anh cùng ăn”.

Khi mọi người đang ăn thì không có chuyện “mời” người khác nhào vô ăn ké. Làm gì có chuyện đang ăn lại dám mời khách vào mâm cơm đang ăn giở của mình, bộ tính mời họ ăn đồ thừa à ?

Lại có thắc mắc “Sao phải nói xin thất lễ” với “xin vô phép”?

Thưa rằng “ Khách đến chơi mà không tiếp, ngồi ăn tỉnh bơ là thiếu lễ, cho nên phải xin lỗi là đúng rồi ”

Nay nói tới chuyện được mời ăn tại nhà bạn bè hay thân nhân. Theo đúng lẽ thì ta nên đến sớm chừng 5 hoặc tối đa là 10 phút, đừng sớm quá làm cho người ta phải tiếp mình, gây bận rộn cho người ta, hoặc bà chủ nhà chưa kịp trang điểm chút đỉnh, đầu tóc còn đang bơ phờ vì việc bểp núc.

Tuy nhiên cũng đừng tới muộn khiến cho cả bàn tiệc phải chờ mình. Có người cho rằng đến muộn một chút chứng tỏ mình là nhân vật quan trọng. Rất không nên, đúng giờ là một trong những phẻp lịch sự của bậc đáng kính.

Khi được chủ nhân mờỉ vào bàn tiệc, nên chờ quí vị tu sĩ, quí vị cao tuổi ngồi xuống trước rồi mình mới ngồi.

Vào bàn, nên ngồi ngay ngắn trên ghế, không ngả nghiêng, không bò ra, không chống khuỷu tay lên bàn. Trong khi ăn, nên giữ sự hòa nhã, nhẹ nhàng, không nói năng ồn ào, không nói với sang phía xa, chỉ nói khi đã nuốt hết đồ ăn trong miệng.

Nên dùng muỗng hoặc đũa chung lấy đồ ăn từ đĩa hoặc khay chung cho vào đĩa hoặc bát riêng của mình rồi mới kín đáo gắp đưa lên miệng, không há to mồm rồi nhét đồ ăn vào. Ngậm kín miệng khi nhai. Nếu ly nước có muỗng thì hãy lấy muỗng ra trước khi uống. Nếu nhấp thử thấy nước nóng thì nên để xuống chờ nguội, không thổi phù phù, không húp sụp soạp. Nếu món ăn cần phải cắt nhỏ thì chỉ cắt từng miếng, ăn xong lại cắt miếng tiểp theo, không cắt tất cả đĩa ra thành một đống. Không bỏ xương xuống mặt bàn. Không dùng đũa hay muỗng riêng của mình mà gắp hoặc múc vào đĩa hoặc tô đồ ăn chung.

Khi ăn xong, nếu cần xỉa răng thì hãy vào phòng rửa tay, tối kỵ xỉa răng trước mặt người khác, nhất là ngay trong bữa cơm.

Một điều cần nói nhỏ nhưng cũng khá quan trọng là ăn uống tại nhà bạn bè, thân nhân, nếu bàn ăn đã được bày ly, chén, bát, mình chỉ nên dùng như thế, tránh dùng giấy napkin lau lại chén, bát, đũa, muỗng của mình. Làm thế, chủ nhà sẽ buồn vì có vẻ như mình nghi nhà người ta thiếu vệ sinh, quen dùng đồ dơ dáy. Nhưng nếu ăn ở những quán như phở, bún.. vân…vân . . . thì tha hồ lau, càng lau càng sạch.

Trường hợp ăn tại các nhà hàng sang, trên bàn thay vì để giấy napkin, người ta dùng khăn ăn. Nếu vậy thì lại càng không nên lấy khăn đó mà lau bát, đũa của mình, vừa không phù hợp phép lịch sự lại vừa dơ, vì những khăn này khi giặt thường được cùng giặt chung với tất cả các loại khăn hầm bà lằng linh tinh bí hiểm, không đáng tin cậy.

Khăn ăn ở đây chỉ có nhiệm vụ lau nhẹ chút đỉnh và che cho thức ăn khỏi rơi xuống đùi, dơ quần, không phải là yếm dãi, nên xin đừng đeo lên cổ như đôi khi ta thấy có một vài vị khách trông rất đáng nể mà cổ lại cài gọn ghẽ cái khăn ăn như em bé, rất tức cười.

Ăn xong, không nên ra về ngay, mà hãy ngồi nán lại một lát để cùng nhau vài ba câu cà kê dê ngỗng rồi hãy chào từ biệt, trừ trường hơp có việc cần thiết phải đi gấp thì phải nói lời cáo lỗi.

Trước khi ra về, nên nói lời cám ơn chủ nhà một cách chân thành.

Bảo Hương (ĐPK)

Leave a comment