Có phải vì tránh “child support” chăng?

Hỏi:

Nhiều người bảo em yêu nhiều nên lận đận, em nghiệm ra hình như họ nói đúng. Hồi còn là sinh viên năm thứ ba, em có cảm tình với một bác sĩ hơn mình 10 tuổi. Sau 3 năm yêu đương, vì cảm thấy anh ấy giống như một người anh đáng tin cậy hơn là bạn trai, em đã nói lời chia tay. Tất nhiên, anh ấy không đồng ý và lúc nào cũng khuyên em phải biết nuôi dưỡng tình cảm bấy lâu nay.

Sau đó, em gặp và yêu Bình. Anh Bình rất tốt bụng, khéo tay, khôi hài, mỗi lần ở bên cạnh Bình, em cũng cảm thấy được một hạnh phúc thật sự. Lúc đó, gia đình em rất khó khăn, mẹ em đã mất, bố em vắng nhà thường xuyên, có khi cả tuần mới về nhà lo toan những việc lặt vặt trong nhà rồi lại đi tiếp. Trách nhiệm của một người chị cả không cho phép em được nghĩ đến hạnh phúc bản thân. Em đã khước từ lời đề nghị kết hôn của Bình.

Một năm sau, em gặp Định, chồng em bây giờ. Khi yêu, em đã thẳng thắn nói với anh rằng không còn trinh tiết nữa bởi em đã trao cho Bình. Định nói chuyện đó không quan trọng. Chúng em kết hôn, thời gian đầu vợ chồng sống rất hạnh phúc. Đến khi sinh con đầu lòng, tình cảm của Định đối với em bỗng lạnh nhạt, anh lại còn vụng trộm, lăng nhăng với những bạn gái thời còn đại học. Em vô cùng đau khổ và đã đề nghị với Định hai đứa nên ly dị. Định không đồng ý và nói rằng anh chọn em chứ không phải cô bạn.

Sau nhiều lần cải vã, giận hờn, lúc tan, lúc hợp, vợ chồng em lại sinh thêm một cháu nữa. Song dường như đứa con ấy cũng không thể cứu vãn hạnh phúc gia đình. Định vẫn ngoại tình, muốn đi thì đi, muốn về thì về, cư xử như một người thuê phòng không hơn không kém. Còn em cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, không còn đủ khả năng, nghị lực để mong hàn gắn cái tình cảm dối trá, hời hợt này nữa. Chị nghĩ em có nên dứt khoát hẳn với Định hay không? Chị có nghĩ rằng Định không muốn ly dị với em âu cũng là vì muốn trốn cái trách nhiệm “child support” sau khi ly dị. Em nhiều lần cũng nghĩ về vấn đề này, nhưng em không biết em nghĩ có đúng hay không. Em thì hiện đang là software engineer cho một cơ quan của thành phố. Em nghĩ em cũng đủ khả năng để nuôi hai đứa con một mình em. Em xin cảm ơn chị.

T.H., Hayward

 Đáp:

Em T. H. thân mến,

Chị xin phân tích phía em trước khi nhìn qua phía Định, nghe em.

Người yêu dầu tiên của em hơn em 10 tuổi, vì thế mà đã chín chắn, chăm lo săn sóc em quá chu đáo, có thể là thiếu tính cách bồng bột, lãng mạn, đến nỗi khiến cho em “Sau 3 năm yêu đương, vì cảm thấy anh ấy giống như một người anh đáng tin cậy hơn là bạn trai, em đã nói lời chia tay. Tất nhiên, anh ấy không đồng ý và lúc nào cũng khuyên em phải biết nuôi dưỡng tình cảm bấy lâu nay”. Tuy nhiên, em đã phát chán với sự săn sóc “như một người anh đáng tin cậy hơn là bạn trai, …” của anh ta, nên em đã quả quyết cắt đứt.

Sau đó,  “em gặp và yêu Bình. Anh Bình rất tốt bụng, khéo tay, khôi hài, mỗi lần ở bên cạnh Bình, em cũng cảm thấy được một hạnh phúc thật sự”.

Lần này thì có thể nói rằng em đã gặp đúng đối tượng, vì em đã cảm thấy được một hạnh phúc thật sự, em đã ăn ở với Bình như vợ chồng. Nhưng khi Bình cầu hôn thì “Lúc đó, gia đình em rất khó khăn, mẹ em đã mất, bố em vắng nhà thường xuyên, có khi cả tuần mới về nhà lo toan những việc lặt vặt trong nhà rồi lại đi tiếp. Trách nhiệm của một người chị cả không cho phép em được nghĩ đến hạnh phúc bản thân. Em đã khước từ lời đề nghị kết hôn của Bình”.

Nhưng chỉ một năm sau thì em gặp Định, và em đã kết hôn với Định, dù em đã “yêu” Bình đến nỗi trao thân cho anh ta.

Câu hỏi đặt ra là:

Tại sao em lại phải vì lo cho các em mà không được kết hôn với Bình, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó lại có thể kết hôn với Định?

Tại sao em không thể vẫn kết hôn với Bình mà vẫn lo cho các em được, thí dụ sau khi cưới cả hai cùng ở chung trong nhà, và cả hai cùng “lo cho các em”?

Hỏi như vậy, không phải là chị muốn làm khó em, mà là chị muốn mổ xẻ căn bệnh ngay tại gốc, trước nhất là về phía em, để chúng ta tìm ra đầu mối của sự bế tắc này, có thế mới tìm ra lối thoát, em à.

Về “người yêu” đầu tiên, em bỏ vì lý do em không thích có cuộc sống buồn tẻ.

Về “người yêu” thứ hai, Bình, dù em nói là vì lý do gia đình, chị vẫn có cảm tưởng là còn lý do nào khác mà em không nói ra, vì lập luận “hy sinh cho gia đình nên không thể lấy chồng” của em không vững.

Nhưng dầu sao, chỉ một thời gian sau, em cũng đã “yêu” và lấy Định. Hình như em hơi dễ dãi và hoang phí khi dùng từ ngữ  “yêu”.

Có câu: “Người ta cưới một người rồi ly dị người khác”, câu đó có nghĩa là khi còn trong thời gian yêu đương, hai người cùng tỏ ra đáng yêu, nhưng khi đã cưới nhau rồi, thì hai người đều có cảm giác “chắc ăn” nên từ đó, họ coi nhau như vật sở hữu, như món đồ dùng cũ trong nhà, không sợ mất, nên không quan tâm, không thấy cần phải tôn trọng nhau nữa, vì thế, trong cách cư xử với nhau, dường như mỗi người đã trở thành người khác.

Nói vậy, ý chị muốn hỏi là em có ở vào trường hợp kể trên không? Cứ xét theo hai mối tình đầu của em, thì cung cách cư xử của em có vẻ là người hơi nông nổi, và cũng có vẻ như  ít quan tâm đến nỗi lòng của “người yêu em”, khi em muốn chấm dứt, thường em chỉ quan tâm đến những điều lợi hại về phía em mà thôi.

Có bao giờ em đặt lại vấn đề là chính em đã làm gì đó khiến cho Định không còn muốn nồng nàn với em nữa chăng? Và nếu điều đó là có thật, thì giả tỉ như em thay đổi nếp suy nghĩ, cung cách cư xử, tình thế có hy vọng cải thiện chăng?

Có câu: “Đời như tấm gương, mình cười thì đời cười với mình”, em thử cười xem tấm gương tình vợ chồng có cười với em không? Nếu chuyện cười đó mà xẩy ra thì thật là quá may mắn cho hai cháu nhỏ, nó sẽ có cả cha và mẹ, để mà yêu thương, đùm bọc, cho các cháu sống vui với đời.

Trong trường hợp không thể cải thiện thì cũng đành phải chia tay, vì ngày tháng của cuộc đời qua đi trong sự buồn tủi, hờn giận như thế thì cũng chẳng có gì là tốt đẹp cho cả hai, em ạ.

Câu em hỏi: “Chị có nghĩ rằng Định không muốn ly dị với em âu cũng là vì muốn trốn cái trách nhiệm “child support” sau khi ly dị?”, chị không thể trả lời, vì chị không thể biết trong đầu Định nghĩ gì và cũng không đủ dữ kiện để suy luận. Nhưng có khi nào em nghĩ rằng Định cũng rất muốn cùng sống với em và hai cháu, nhất là hai cháu còn quá nhỏ, nên cứ nấn ná chăng? Vả lại, chẳng lẽ chỉ vì không muốn trả tiền “child support” cho các con mà Định đành phí phạm hẳn một thài gian dài của cuộc đời, chịu sống trong cảnh chỉ còn là “người thuê phòng”, mà lại là “người thuê phòng đáng ghét” để chờ cho các cháu tới tuổi thành niên, không thể tự do đi tìm hạnh phúc với những người bạn gái hiện nay, nếu Định muốn hay sao?

Điều quá buồn trong cuộc đời là khi người ta yêu nhau, người ta có thể chết vì nhau, mạng sống cũng không tiếc. Nhưng khi bỏ nhau, chuyện tiền bạc biến thành đám mây đen ngòm bao phủ cả nhân cách con người khi nghĩ về nhau và nếu đã nhìn nhân cách nhau qua đám mây “tiền” như thế, e rằng những kỷ niệm đẹp về nhau cũng khó tránh bị đám mây đó xóa nhòa mất rồi, em ơi!

Thân chúc em, Định và hai cháu mọi điều tốt lành.

Thuần Nhã (ĐPK)

Leave a comment