Archive | April 2020

Vườn Hồng Thiếu Nhi

Vườn Hồng Thiếu Nhi

 

  1. Nụ Cười



    Giả sử chị em ta gặp nhau lúc này nhỉ. Chúng ta sẽ làm quen với nhau bằng cách nào bây giờ ? Khó ghê.

    Chúng ta chưa biết nhau, mà nếu lại cũng không có ai giới thiệu. Vậy làm thế nào bây giờ. Nghĩ mãi, mặt mũi trở thành ngô nghê. Cử chỉ đâm ra lúng túng. Ấy thế rồi thì là tự nhiên thấy mình buồn cười. Bèn cười.

    Ơ kìa ! Em cũng cười hồn nhiên đáp lại. Dễ dàng ghê. Có thế mà mất bao thì giờ. Nụ cười thật tốt đẹp xiết bao. Nó làm cho hai người đang xa lạ trở thành gần gũi, dễ thông cảm.

    Ngoài ra, cười còn là một liều thuốc bổ. Chắc các em chị đang cười nhạo chị đây nè. Em cứ cười nhạo chị đi, tốt lắm. Vì khi em cười, cả khuôn mặt trở nên rạng rỡ (cứ soi gương thì thấy), mắt trở nên long lanh (một cách tập thể thao mắt) các đường nét trong khuôn mặt đều giãn với đường hướng chếch lên phía trên (hướng mà trong các mỹ viện họ vẫn vỗ nhẹ cho các bà các cô, để bắp thịt khỏi chảy xệ). Vô tình, các em đang làm những động tác mà người lớn phải tốn tiền vào mỹ viện nhờ người khác làm giúp đó.

    Vậy thì ngay lập tức, các em cười lên nào. Nhưng (chữ nhưng thật đáng ghét, làm cụt hứng quá) nhưng cười thế nào bây giờ. Cười ầm ỹ, cười ngả nghiêng, cười bò lăn ra ý à!

    Ấy, đâu có, các em gái của chị có khi nào lại ồn ào như vậy. Các em chỉ cười nhẹ thôi. Nét mặt cho thật thoải mái khi cười, và tiếng cười chỉ nổi lên nho nhỏ (còn gì tuyệt diệu cho bằng ba bốn cô bé đứng ở dưới gốc cây trong sân trường, nói chuyện vui với nhau rồi cười rúc rich). Đâu đây, tiếng cười nổi lên nho nhỏ, để người ngoài chỉ nhìn thấy nét mặt hồn nhiên trong sáng của các em, và tai họ chỉ thoáng nghe tiếng cười như tiếng reo vui.

    Các em ơi ! Cuộc đời tươi đẹp quanh ta. Vậy, cùng với chị, chúng ta hãy cười lên nào.

    Đỗ Phương Khanh
    Thiếu Nhi số 001, trang 16
    Ngày 15-8-1971
     
    ***
  2. Nét Mặt


    Kỳ này, chị em mình bàn về vấn đề thể thao. Ái chà ! ghê chưa, chị ĐPK định lập đảng để đi dự Thế Vận Hội sao đây. À, mà bí mật. Nhưng có làm gì thì cũng phải tuần tự, có đầu có cuối. Tập thể thao thì cũng phải tập trên đầu trước, phải không các em.

    Những lúc mệt mỏi hay đang bực bội, các em có thấy rằng mặt mình nặng trĩu, mí mắt muốn sụp xuống mà da mặt như là đang lên gân ấy, phải không nào. Nếu ngay lúc này mà có em nào đang có cảm giác ấy thì hãy bỏ ngay tờ báo này xuống, đi kiếm cái gương, soi mặt mà coi. Ui da, mặt gì mà tức cười, y như là tính gây với người khác ấy, phải không. Vây thì em gái ơi (cả em trai nữa, nếu có em trai nào đang coi cọp vườn hồng của chị em nhà người ta) em đang cần tập thể dục mặt đấy, kẻo mà chỉ một thời gian ngắn nữa, em sẽ bị già khủng khiếp cho mà coi.

    Dọa chơi thôi, chứ em không già khủng khiếp đâu. Nhưng mà tội nghiệp cho những người sống chung quanh em, và những người gặp em lúc này lắm. Nếu họ đang vui vẻ, mà gặp mình nhăn nhó, họ sẽ cụt hứng, lây buồn. Vô tình ta đã nhốt họ vào “nhà tù của buồn phiền”, nhà tù không có cửa, nhưng chị nghĩ, nó cũng đáng sợ như bất cứ nhà tù nào dữ dằn trên thế giói. Bởi vì, sự buồn phiền, chán nản, đã đưa nhiều người sang bên kia thế giới rồi đó, các em ạ.

    Vậy thì, các em gái dễ thương của chị, các cô gái nhỏ, những bông hồng của gia đình, chẳng bao giờ các em lại muốn những người thân yêu buồn phiền phải không ? Vậy nghe chị nhé, chúng mình tập thể dục mặt, các em nhé.

    Đầu tiên, em buông hết các bắp thịt ở mặt cho dãn ra, không làm một cử động nào hết, tự nhủ :

    “Dãn ra, dãn ra” …

    Bắt đầu từ trán, buông ra không cau, rồi má, rồi cằm, buông lơi các bắp thịt. Coi nào, à, mặt nhẹ ghê rồi, à, chị ĐPK xúi mình làm ảo thuật ta, dễ chịu quá, mà lại tức cười nữa à, cười !

    Em thấy dễ chịu chưa, nhẹ nhõm chưa. Các bắp thịt buông lơi sẽ không tạo thành vết nhăn. Rồi khi cười, tinh thần em sẽ thoải mái, và điều này đáng cho ta hãnh diện nhất, là em đã gây niềm vui cho người quanh em.

    Các bông hồng thân yêu của chị. Sắc đẹp chỉ gợi sự chú ý trong một thoáng, và sẽ tàn theo thời gian. Nhưng sự duyên dáng và lòng tốt chính là kho tàng. Ngay khi em có ý muốn mọi người đừng buồn vì em, em đã có tấm lòng thật tốt. Rồi khi tập cho nét mặt tươi tỉnh, nhẹ nhõm, em đã tạo cho em đường nét duyên dáng.

    Các em yêu quí, các bóng mát của cuộc đời, vì sự yên vui của mọi người chung quanh, các em và chị, chúng ta cùng ráng tập thể dục cho gương mặt đi nào.

    Đỗ Phương Khanh
    Thiếu Nhi số 002, trang 16
    Ngày 22-8-1971
     
    Cổ nhân đã nói:

    Không HỨA bậy … mình không phụ người …
    Không TIN bậy … người không phụ mình …

  3. ***

    Giọng Nói


    Hình minh họa
     
    Sau khi chị em ta gặp nhau, chúng ta mỉm cười, rồi sau đó, chị em ta sẽ hàn huyên tâm sự. Vậy kỳ này chúng ta bàn với nhau về giọng nói.

    Buổi sáng, khi chị em ta còn nằm lì trên giường, êm đềm thay là tiếng mẹ, như tiếng chim hót buổi sớm, mẹ gọi:

    – “Con ơi ! Sáng rồi, dậy đi con”.

    Dù ta còn muốn nằm thêm vài phút nữa, ta cũng cố mở mắt mỉm cười với mẹ, vươn vai mấy cái rồi bò dậy. Và cả ngày tiếng mẹ êm đềm văng vẳng bên tai chúng ta như tiếng đàn. Cám ơn trời ban cho ta đôi tai để được nghe tiếng nói của mẹ hiền. Chị em ta cũng phải bắt chước mẹ mới được.

    Mỗi khi nói gì với ai, các em của chị hãy cất lên giọng nói thật nhẹ, giọng nói chỉ vừa đủ cho người đối thoại nghe thôi. Em nhìn thẳng vào mắt người, nói như là những lúc em tâm sự với bạn, nghĩa là giọng nói trầm mà vừa đủ cho người nghe rõ, thỉnh thoảng điểm thêm nụ cười.

    Các em đừng bao giờ nói to quá, hoặc là nói liền một mạch không cho người khác chen vào. Đừng bao giờ tức giận đến líu cả lưỡi lại. và cũng đừng nói bằng giọng ẻo lả mà có người gọi là điệu.

    Chị em ta nhất định chỉ nói bằng một giọng đầm ấm đủ nghe, bằng thái độ đứng đắn mà vui vẻ. Và chúng ta cũng không nên nói tiếng lóng.

    Em đừng cho là chị khó tính, bởi đây chỉ là những kinh nghiệm của chính chị, chị nói với các em vì khi xưa, chị cũng hay nói lóng trong câu chuyện vui với bạn bè. Sau này quen đi, nhiều lúc buột mồm nói lóng làm chị ngượng hết sức. Phải bao nhiêu chú ý chị mới bỏ được tật nói pha vài tiếng lóng đấy các em gái ạ.

    Vậy các em nhớ lời chị dặn :

    “Nói êm tai vừa đủ cho người đối thoại nghe, bằng thái độ đứng đắn mà vui vẻ, không điệu, không nói lóng và tuyệt đối không bao giờ nói tục. Chỉ một câu nói tục có thể làm mất hết thiện cảm của mọi người đối với ta, có khi còn làm cả gia đình ta bị chê cười nữa đó, các em”.

    Bây giờ chị cười và nói :

    “Chào các em gái và chúc các em dịu dàng.”
    Đỗ Phương Khanh
    Thiếu Nhi số 003, trang 16
    Ngày 29-8-1971

        ***
     

  4. Biết Cảm Ơn


    Hình internet … cảm ơn họa sĩ…

    Trong một ngày của mỗi người, có biết bao nhiêu là dịp để cám ơn. Từ sáng sớm, khi mới bừng tỉnh dậy, nghe bên tai ta ríu rít tiếng chim hót, tiếng nói ngọt ngào của mẹ hiền, tiếng thỏ thẻ của em bé, rồi đến khi ta mở mắt, kìa ánh sáng chan hòa, vạn vật bừng sáng, một ngày mới rực rỡ đang lên. Cám ơn Thượng đế cho ta tai, mắt để mà nghe, mà nhìn.

    Thế còn nếu ta không có tai, mắt ? Thì em ơi ! Hãy cám ơn Thượng đế rằng ta còn tay chân để mà cầm mà đi, còn óc để suy nghĩ.

    Nhưng có người tàn tật hoàn toàn thì sao ? Thì em đáng thương của chị ! Hãy cám ơn Thượng Đế rằng ta đang sống giữa loài người, mà loài người thì có rất nhiều tình cảm.

    Rồi gần em nhất, còn cha, mẹ, anh, chị, em của em thương yêu em. Ấy là nói quá đi thế chứ chị tin chắc rằng trong số các bông hồng của chị, có rất ít em kém may mắn đến thế. Như vậy thì các em có nhiều dịp, quá nhiều dịp để mà cám ơn.

    Buổi sáng em ăn điểm tâm, cám ơn người nấu cho các em đĩa xôi hay tô phở ; thay đồ đi học, cám ơn người thợ dệt may vải đẹp ; đi xe tới trường, cám ơn người nghĩ ra phương tiện di chuyển, người tài xế lái xe ; ngồi học, cám ơn người nghĩ ra chữ để ta có thể bước vào biết bao nhiêu thế giới nhờ sách vở, cám ơn thầy cô hết lòng dạy dỗ ; trưa về ăn cơm, cám ơn mẹ, hoặc chị hoặc người giúp việc đã nấu nướng sẵn sàng.

    Các em ơi ! Cám ơn tổ tiên gây dựng nếp nhà và cám ơn cha mẹ suốt đời tận tụy thương yêu các con.

    Với một lòng thiết tha yêu thương các em gái, vì hạnh phúc của các em, chị xin các em hãy tập cám ơn. Bởi vì khi cám ơn ai, người đó sẽ vui và sung sướng, đó là em làm một việc tốt. Ngoài ra, chính em, em cũng sung sướng nữa có phải không em ? Cái sự biết rằng người ta giúp đỡ mình, người ta thương mến mình đó, nó làm cho chính mình ấm lòng lắm phải không các em.

    Người nào trên đời này cũng đều phải liên hệ đến người khác chứ không thể sống lẻ loi một mình được, vậy thì, các bông hồng của chị, chúng ta hãy cám ơn Thượng Đế đã cho con người cái sự biết cám ơn đi.

    Nếu có một người nào mà suốt đời không hề biết cám ơn là gì thì thật là đáng thương cho người ấy phải không các em ? Vì họ phải sống buồn chán, khô khan trong sự bất mãn, cô đơn, không cảm thông với người khác được.

    Còn người nào luôn luôn nhìn thấy lòng tốt của người khác để mà cám ơn, chính là đã được thượng đế thưởng cho họ có nhiều nguồn vui đấy phải không các em.

    Bây giờ chị xin các em dành cho chị mỗi buổi tối 5 phút, các em ghi tất cả những việc tốt của tất cả mọi người em gặp trong ngày đã làm cho em, mà em đã có cám ơn rồi hoặc em quên, em sẽ ngạc nhiên mà thấy rằng sao quanh mình có nhiều người tốt đến thế, và sao mà mình lại may mắn được hưởng nhiều hạnh phúc đến thế.

    Em ơi ! Bài đã dài, chị xin ngừng, và cùng với chị, chúng ta cùng cám ơn người nghĩ ra chữ để chị em ta có thể truyền thông tư tưởng đến cho nhau, các em chịu không nào ?
    Đỗ Phương Khanh
    Thiếu Nhi số 004, trang 16 – 17
    Ngày 05 -9-1971


    ***
     

  5. Sống Giản Dị


    Hình minh họa
     
    Một trong những nguyên tắc để tạo nét duyên dáng là giản dị. Giản dị từ thể chất tới tinh thần. Chị nhận thấy hình như hầu hết mọi người đều có vẻ thích chơi với người tính tình giản dị. Luôn luôn chị nghe thấy :

    – Cô ấy tính tình giản dị lắm ! Cô ấy ăn mặc giản dị lắm… Cô ấy trang điểm giản dị lắm.

    Lời nói đầy vẻ khen ngợi !

    Các em gái của chị ơi ! Nếu các em tin yêu chị, xin các em nghe lời chị đi. Các em nên tập tính giản dị. Cuộc đời ngắn ngủi lắm ! Vậy phải biết sống. Phải biết vất bỏ những hành trang cồng kềnh và phiền toái thì cuộc sống mới nên thơ được.

    Nhưng, giản dị là thế nào ? Muốn sống giản dị thì phải làm sao ?

    Các em phải tập từ thể chất trước. Ăn mặc, trang hoàng bàn học, chải đầu, v.v. ráng tìm kiểu nào giản dị nhất. Rồi ráng tập cho tính tình giản dị bằng cách luôn luôn nghĩ tới điều tốt của mọi người. Nếu có gì không như ý, ráng nghĩ giản dị rằng:

    “Tất nhiên là đôi khi cũng gặp phải điều không như ý chứ nếu lúc nào cũng như ý cả thì chính là ta đang sống trên thiên đàng, không phải dưới trần.”

    Có ai làm giúp ta điều gì, đừng nghĩ quá xa rằng họ lợi dụng, nên nghĩ rằng họ tốt mà giúp mình. Có ai làm buồn lòng, đừng cho là họ cố ý làm hại mình mà nên nghĩ là họ vô tình làm buồn mình. Quan niệm sống này đôi khi bị thiệt thòi trong cuộc đời nhưng bù lại, các em sẽ được rất nhiều niềm vui và an ủi, được rất nhiều tình thân yêu từ mọi người.

    Em ơi ! Hạnh phúc thay cho ai được sống với những người tính tình giản dị. Và cũng hạnh phúc thay cho ai được trời cho biết sống giản dị ! Cuộc đời sẽ đầy mầu hồng em ạ.

    Các em bé gái (cả trai nữa) của chị! Ráng tập sống giản dị đi. Từ thể chất tới tinh thần. Ráng vứt bỏ tất cả những gì cồng kềnh vô ích đi. Hãy chấp nhận những sự không thích với ý nghĩ :

    “Mỗi người đều khác nhau, chắc mình cũng có những điều mà bạn mình không thích”.

    Đi đâu xa, ráng thu hành trang lại, chỉ mang đi vừa đủ những món thật cần thiết. Trang hoàng bàn học bằng những đồ vật giản dị trang nhã. Gặp người bạn mới, ta sẵn sàng chấp nhận với một tâm tình cởi mở giản dị.

    Luôn luôn, em tâm niệm giản dị thế này:

    “Với tính tình giản dị, em rất dễ yêu người và đến gần người. Mà một xã hội tốt đẹp chính là nơi mà ở đó có nhiều người thương yêu nhau.”

    Đỗ Phương Khanh
    Thiếu Nhi số 005, trang 16
    Ngày 12-9-1971
     
    Cổ nhân đã nói:

    Không HỨA bậy … mình không phụ người …
    Không TIN bậy … người không phụ mình …
     
    Edit / Delete
 
 

Vườn Hồng Thiếu Nhi


Vườn Hồng Thiếu Nhi

Đỗ Phương Khanh

 

Khi vào trang nhà:


https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/thieu-nhi

… người đọc sẽ thấy trên 100 số báo Thiếu Nhi do người bạn trẻ Ngô Quang Hòa và các bạn Nguyễn Thục Đoan, Haco Chi, Huy Le, Nguyen Hoang, Nguyễn Đức Hiệp, Quang Võ .. v.v… đã tận tụy góp sức phục hồi qua hình thức sao chép lại dưới dạng PDF (Portable Document Format).

Thiếu Nhi là một tờ tuần báo phát hành ở Sài Gòn từ tháng 8-1971 đến tháng 4-1975, dành cho các lứa tuổi học trò từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông với sự cộng tác của rất đông nhà văn, nhà thơ, nhà giáo…. trong chủ trương vừa Giải trí vừa Giáo dục.

Trải qua gần 5 năm hoạt động, tờ báo đã được hầu hết độc giả thuộc nhiều lứa tuổi hoan nghênh, kể cả các nhà giáo dục và phụ huynh học sinh.

Sau hơn 40 năm vắng bóng, tưởng tờ báo đã đi vào sự lãng quên của mọi người, nhưng may nhờ nhiều bàn tay thiện chí, nhất là của người bạn trẻ Ngô Quang Hòa mà các trang báo đã được phục hồi rất rõ nét, rất đầy đủ, tưởng như lần giở từng trang báo ngày xưa ở ngay trước mặt.

Trong tình trạng xuống cấp thê thảm từ nhiều năm qua của nền giáo dục ở quê nhà, sự hiện diện của tờ Thiếu Nhi dù muộn màng trên trang web, nhưng cũng là một điều cần thiết cho nhu cầu giải trí cũng như giáo dục đối với tuổi trẻ ở VN hiện nay. Và đối với quý độc giả cao niên, những trang báo này hẳn cũng là một nơi khơi dậy trong lòng những kỷ niệm êm đềm tốt đẹp của một thời vàng son chữ nghĩa ngày xưa.


Các em gái thân mến.

Hôm nay chị ra mắt các em bằng lá thư ngắn ngủi này. Mong ước của chị là được gần gũi với thế giới hồn nhiên và trong sáng của tuổi trẻ các em, cái thế giới mà ở đó mọi ưu tư và phiền muộn không có đất để nẩy mầm, mọi sự xấu xa hèn kém không thể tồn tại mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây bởi sự rung động của hàng vạn trái tim những em gái là sự rung động của lòng nhân ái, của tính tình hồn nhiên, của tất cả mọi sự kiện tốt đẹp nhất mà chỉ ở tuổi còn cắp sách đến trường như các em mới có được.

Cho nên chị rất sung sướng là đã có dịp may được họp đoàn với đàn chim trong sáng của chị trên phần đất xinh xinh này. Chị mong mỏi các em hãy đến với chị, chia xẻ với chị những nỗi niềm ưu tư trước bổn phận của một học sinh trong học đường, của một người con ngoan trong gia đình, một người bạn tốt trong tình bằng hữu.

Trang báo hôm nay đã mở rộng. Chúng ta sẽ tha hồ sáng tác, tha hồ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện tâm tình tuy vụn vặt nhưng thắm đượm biết bao kỷ niệm êm đềm của thời đi học.

Chúng ta hãy cố gắng tô điểm cho Vườn Hồng này của chúng ta mỗi ngày một thêm nhiều bông hoa xinh đẹp. Chị mong chờ sự hưởng ứng nhiệt thành của các em.

Đỗ Phương Khanh
Thiếu Nhi số 001, trang 16
Ngày 15-08-1971

 

Nhân Loại Rúng Động và Xã Hội Sụp Đổ Vì Một Con Siêu Vi Khuẩn

 
Hoàng Hiếu



 

Một thứ gì đó thật nhỏ, kích thước siêu vi, tên là Coronavirus đang làm đảo lộn hành tinh. Một thứ gì đó, không nhìn thấy được, đã đến đây áp đặt luật của nó. Nó đặt lại vấn đề cho mọi thứ và làm đảo lộn tất cả những trật tự có sẵn. Mọi thứ đang bị sắp xếp lại theo kiểu khác, cách khác.

Điều các cường quốc Tây Phương không làm được ở Syrie, Lybie, Yemen… thứ nhỏ xíu kia đã làm được: ngưng bắn, đình chiến…
Điều quân đội Algerie không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được: Hirak (1) đã chấm dứt….
Điều các nhà đối lập chính trị không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được: lùi ngày bầu cử.
Điều các xí nghiệp không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được: dời hạn trả thuế, miễn thuế, cho mượn tiền với lãi xuất bằng không, quỹ đầu tư, giảm giá nguyên liệu chiến lược…
Điều các ‘Gilets Vàng’ và nghiệp đoàn không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được: giảm giá xăng dầu, gia tăng quyền lợi xã hội…
Bỗng nhiên, chúng ta thấy tại Tây Phương nhiên liệu xuống giá, ô nhiễm suy giảm, mọi người bắt đầu có thời gian, nhiều đến mức không biết phải làm gì với nó. Cha mẹ bắt đầu tìm cách hiểu thêm con cái, con cái tập sống nhiều hơn với gia đình, việc làm không còn là điều ưu tiên và du lịch, thú tiêu khiển không còn là mức đo của một cuộc sống thành đạt.
Bỗng nhiên, trong yên lặng, chúng ta quay về với nội tâm của chính mình và hiểu được thế nào là giá trị của hai chữ “đoàn kết” và thế nào là sự “yếu đuối, dễ bị đánh ngã”.
Bỗng nhiên, chúng ta hiểu rằng tất cả đều ở trên cùng một chiếc thuyền, giàu cũng như nghèo. Chúng ta nhận thấy mình đã cùng nhau dọn sạch ngăn kệ các cửa hàng và nhận ra bệnh viện đang đầy ắp người và đồng tiền không còn chút gì quan trọng nữa! Rằng tất cả chúng ta đều là con người đang phải đương đầu với Coronavirus.
Chúng ta cũng nhận ra trong garage, những chiếc xe sang trọng đang nằm yên vì không ai có quyền ra khỏi nhà.
Chỉ cần vài ngày đủ cho thế giới thiết lập được bình đẳng xã hội, điều mà không ai có thể tưởng tượng trước đây.
Nỗi sợ đã xâm chiếm mọi người. Nỗi sợ đã đổi phe. Nó đã rời người nghèo để sang ở với người giàu có và quyền lực. Nó đã nhắc những người này nhớ lại bản chất con người và vạch ra cho họ thấy tính nhân bản của họ.
Mong rằng điều này sẽ giúp con người hiểu được sự mong manh, dễ vỡ của mình, từng tìm cách bay lên Hỏa Tinh để sống và vẫn tưởng mình đủ giỏi để cấy chủng tạo ra người mới với hy vọng sống trường sinh bất tử.
Mong rằng điều này sẽ giúp con người nhìn thấy sự thông minh giới hạn của mình khi đối đầu với sức mạnh của trời.
Chỉ cần vài ngày để những gì chắc chắn trở thành bất định, sức mạnh trở thành yếu đuối và quyền lực trở thành đoàn kết và hội ý.
Chỉ cần vài ngày để Phi Châu trở thành lục địa an toàn (2). Điều mơ mộng trở thành điều dối trá.
Chỉ cần vài ngày để con người ý thức được mình chỉ là hơi và bụi.
Chúng ta là ai? Chúng ta đáng giá bao nhiêu? Và chúng ta làm được gì trước con Coronavirus?
Hãy nhìn thấy sự thật hiển nhiên đó và trông chờ vào đấng thiêng liêng che chở.
Đối đầu với Coronavirus, hãy đặt câu hỏi cho chính “bản chất con người” của ta trong cuộc “toàn cầu hóa” này.
Hãy ở nhà và suy ngẫm về cơn đại dịch này.
Hãy yêu thương nhau, những người đang sống.

Chú thích:
(1) Hirak = chữ Ả Rập có nghĩa là phong trào chống đối
(2) Phi Châu cũng vừa bị Coronavirus tấn công, không còn là lục địa an toàn.

NTT dịch từ nguyên bản của Moustapha Dahleb, một nhà văn nổi tiếng của Tchad.
Thứ Sáu, ngày 27/3/2020