Archive | July 2016

Từ David Bohm đến Kinh Lăng Nghiêm – Nguyễn Tường Bách


David Bohm

Như chúng ta đều biết, Albert Einstein là người triển khai thuyết Tương đối cách đây đúng một thế kỷ. Einstein cũng đóng góp rất nhiều cho nền vật lý lượng tử bằng cách là người đầu tiên nêu lên quan niệm ánh sáng là những hạt quang tử photon. Với quan niệm này cơ học lượng tử ngày càng được phát triển một cách mạnh mẽ, đồng thời những đặc tính của vật chất trong thuyết lượng tử cũng ngày càng xuất hiện rõ nét.

Suốt một trăm năm qua, hai nền vật lý tương đối và lượng tử được phát triển cao độ với những lý thuyết mới cũng như các phương pháp thực nghiệm mới. Song song, người ta tìm cách thống nhất hai lý thuyết đó với hy vọng tiến tới một lý thuyết chung nhằm soi sáng toàn bộ thế giới vật chất, từ lĩnh vực vô cùng nhỏ của nguyên tử và hạ nguyên tử đến mức độ vô cùng lớn của các thiên hà cách ta hàng tỉ năm ánh sáng. Giữa hai lĩnh vực cực tiểu và cực đại này, người ta hy vọng tìm những đơn vị cuối cùng của vật chất trong lĩnh vực cực tiểu và do đó thuyết lượng tử được phát triển hết sức mạnh mẽ. Ngày nay ngành vật lý lượng tử vẫn nằm trong đà triển khai, chưa ai có thể kết luận điều gì về cơ chế cuối cùng của vật chất cả.

Trong quá trình khảo sát những đơn vị nhỏ nhất của vật chất, nền vật lý lượng tử phát hiện rất nhiều “nghịch lý” xuất phát từ những kết quả đo lường và phương cách xuất hiện của vật chất. Những nghịch lý đó nêu lên những câu hỏi quan trọng về triết học, về nhận thức luận, về bản thể học…, thậm chí về cả những vấn đề dường như không liên quan đến vật lý như khả năng của ngôn ngữ khi diễn đạt các vấn đề vật lý, như các vấn đề sinh lý học (physiology) liên quan đến cái thấy cái nghe trong việc thu lượm kết quả thực nghiệm v.v…

Vì những lý do trên, nền vật lý lượng tử đang đứng trước những luận đề vô cùng cơ bản của loài người như: thế giới vật chất này gồm những gì tạo ra, tự tính nó là gì, mối tương quan của nó với ý thức con người ra sao, liệu thế giới vật chất như ta thấy phải chăng nó tồn tại độc lập thực như thế, hay nó chỉ là bóng dáng của một thực tại khác…Bài này sẽ giới thiệu một trong những hướng phát triển của vật lý lượng tử và nêu lên sự song hành của nó với vũ trụ quan của Phật giáo Đại thừa, được phát biểu trong kinh Lăng Nghiêm.

1. Điểm xuất phát

Trong thời điểm hiện nay, theo thuyết lượng tử, vật chất có ba đặc tính sau đây:

1. Trong thế giới cực tiểu, vật chất vận động một cách phi liên tục, trong nghĩa là hoạt động của vật chất được hình thành bởi những “lượng tử” rất nhỏ nhưng cụ thể và không thể phân chia. Sự vận động của vật chất “nhảy từng bước” chứ không “chảy” một cách liên tục.

2. Các đơn vị vật chất (thí dụ electron) có những đặc tính khác nhau. Khi thì nó xuất hiện như hạt, khi thì như sóng, khi thì nửa sóng nửa hạt, tùy theo điều kiện xung quanh và tùy theo các phương tiện quan sát và dò tìm chúng.

3. Trong một số trường hợp, hai đơn vị vật chất (thí dụ hai electron trước đó thuộc về một phân tử nay đã bị cách ly) có một mối liên hệ liên thông (non-local). Hai đơn vị đó “biết” đến tình trạng của nhau một cách tức thời, dù chúng bị cách ly với khoảng cách bất kỳ.

Đặc tính thứ nhất của sự vận động của vật chất trong mức độ vô cùng bé là khác với sự vận động trong thế giới vĩ mô của chúng ta. Đường đi của vật thể trong sự rơi tự do hay quĩ đạo của thiên thể luôn luôn vẽ nên một đường cong liên tục. Tuy thế đặc tính thứ nhất này vẫn còn tương thích với lý tính (reason) của đầu óc con người. Đặc tính thứ hai được xem là một nghịch lý vì sóng và hạt là hai dạng tồn tại của vật chất hoàn toàn khác nhau, loại bỏ lẫn nhau. Thế nhưng hai dạng tồn tại đó của vật chất được kết quả thực nghiệm thừa nhận một cách thuyết phục, do đó người ta vẫn chấp nhận chúng như hai dạng tồn tại song song, thậm chí thiết lập mối quan hệ về toán học giữa hai bên một cách dễ dàng.

Đặc tính thứ ba của vật chất mới nghe qua không có gì to tát lắm, nhưng thực ra nó dẫn ta tới nghịch lý quan trọng nhất từ xưa tới nay. Đó là, vì tính chất “liên thông” này, ta phải từ bỏ một trong hai quan niệm sau đây:

a) có một thế giới khách quan tồn tại độc lập ở bên ngoài ý thức con người,
hay
b) vận tốc của tín hiệu vật lý có thể đi nhanh hơn ánh sáng.

Cả hai quan niệm nói trên đều là những điều bất khả xâm phạm trong ngành vật lý, bởi lẽ nếu không có một thế giới vật chất độc lập thì toàn bộ ngành vật lý mất đi đối tượng của mình, thì vật lý và tâm lý sẽ bị qui thành một. Mặt khác, nếu có tín hiệu đi nhanh hơn ánh sáng thì thuyết tương đối bị bác bỏ, thì con người có thể đi trước cả tương lai và biết bao nhiều điều “vô lý” của khoa học giả tưởng sẽ thành sự thực cả.

Nhưng trước hết ta cần giải thích do đâu mà có đặc tính thứ ba nói ở trên. Năm 1935, Einstein và cộng sự đề nghị một phép “thí nghiệm bằng tư tưởng” nhằm nêu lên sự thiếu sót của thuyết lượng tử trong việc tìm hiểu tính chất thực sự của các hạt hạ nguyên tử [1]. Thí nghiệm nổi tiếng này được mệnh danh là nghịch lý EPR. Ở đây ta chỉ trình bày EPR một cách hết sức đơn giản. Trong nghịch lý này Einstein cho cách ly hai đơn vị vật chất A và B (thí dụ nguyên tử hay electron), chúng vốn nằm trong một thể thống nhất và do đó chúng có sẵn một mối liên hệ với nhau, thí dụ tổng số spin của chúng bằng không. Nay ta cách ly chúng hàng vạn dặm, không để cho chúng có thể tương tác lẫn nhau. Khi đo một trị số spin của A thì B lập tức có một trị số, để tổng số của chúng bằng không. Trong thuyết lượng tử vì nguyên lý bất định, người ta cho rằng hành động đo lường đã xác định một trị số tại A và làm “nhòe” đi các trị số khác cũng tại A. Câu hỏi của Einstein là tại sao B “biết” được trị số tại A để phản ứng tức khắc, mà điều này sẽ vi phạm qui luật vật lý là không có tín hiệu nào đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng.

Nghịch lý EPR này được tranh cãi suốt nhiều thập niên. Nhà duy thực [2] Einstein cho rằng A và B phải có những tính chất thực sự, khách quan, riêng biệt, có thể cô lập được, chúng đã có những tính chất đó trước khihành động đo lường xảy ra.

Khoảng ba mươi năm sau khi nghịch lý EPR ra đời, Bell’s Theorem quả quyết quan niệm tính chất “thực sự, khách quan, riêng biệt” là không thể tương thích với cơ học lượng tử [3] . Năm 1981, Alain Aspect tại đại học Paris đã chứng minh là kết quả thực nghiệm tuân thủ cơ học lượng tử và bác bỏ các lý thuyết của tính chất “thực sự, khách quan, riêng biệt” [4] của vật chất. Điều đó có nghĩa hai hạt A và B có mối liên hệ liên thông, khi đã ở trong một thể thống nhất rồi, chúng cần được quan niệm là một hạt dù có tách rời chúng ta vạn dặm đi nữa. Hơn thế nữa, hạt đó không có tính chất riêng biệt gì cả, mà khi ta đo lường, các tính chất riêng biệt của chúng (thí dụ spin) mới xuất hiện.

Khi thuyết “thực sự, khách quan, riêng biệt” của vật thể bị bác bỏ thì một thực tại vật lý độc lập, có tính chất riêng biệt cũng bị đặt lại vấn đề. Dĩ nhiên ở giai đoạn này, các kết quả vật lý đã sinh ra những phép diễn giải(interpretation) khác nhau, mang đậm tính triết học. Người ta ngờ rằng thế giới hiện lên trước mắt ta sở dĩ có tính chất riêng tư là vì hành động đo lường của chính chúng ta. Thế thì phải chăng thế giới mà chúng ta đang thấy vì ta đo lường nó (hay nói chung vì ta nhận thức nó) mà nó “có”? Phải chăng nó không hề tồn tại một cách độc lập. Đó là lý do mà đặc tính thứ ba nói ở trên buộc ta phải từ bỏ một trong hai điều bất khả xâm phạm của ngành vật lý, một bên là có tín hiệu đi nhanh hơn ánh sáng, bên kia là thế giới vật chất với những đặc tính riêng của nó không hề tồn tại độc lập mà chỉ xuất hiện khi ta nhận thức nó.

Nếu mệnh danh thực tại trước khi ta nhận thức nó là “thực tại lượng tử” (quantum reality) thì ít nhất ta phải thấy là sự biến hình từ thực tại lượng tử ra thế giới mà ta đang nhận thức bằng cảm quan là rất kỳ lạ. Hiện nay chưa ai đề ra được một giải pháp thuyết phục được tất cả mọi người về vấn đề này. Người ta chỉ biết rằng, cần phải đưa hành động đo lường (tức là quan sát viên) vào trong một tổng thể vật được quan sát-người quan sát thì mới hiểu được sự vật.

Đi xa hơn, nhiều người thấy phải đưa ý thức hay hoạt động của ý thức như một yếu tố chủ yếu vào tổng thể này, thí dụ Eugene Wigner, nhà vật lý đoạt giải Nobel. Thế nhưng đi xa hơn nữa, người ta phải thấy “ý thức” thông thường của con người là một loại ý thức bị qui định trong tầm nhìn “cổ điển”, không tương thích với tính chất lượng tử của nền vật lý mới. Nhà vật lý Nick Herbert viết như sau:

“Nguồn gốc của mọi nghịch lý lượng tử hình như xuất phát từ thực tế là, sự nhận thức của con người tạo ra một thế giới gồm những thực thể chuyên biệt – do đó kinh nghiệm của chúng ta buộc phải có tính chất cổ điển – trong lúc thế giới lượng tử thì hoàn toàn không phải như thế”.

Có lẽ Nick Herbert đã điểm đúng huyệt của vấn đề. Đó là phép nhận thức của con người phương Tây, nhất là các nhà vật lý duy thực, xuất phát từ hệ tư tưởng xem “vật ở ngoài nhau”, xem sự vật bị dàn trải trong không gian và được nối với nhau bằng lực tương tác. Đó là đặc trưng của nền vật lý cổ điển Newton. Trong lúc đó, vật lý lượng tử – dù đang có nhiều kiến giải khác nhau – ít nhất cũng đòi hỏi cần xem vật được quan sát và người quan sát phải được thống nhất trong một thể chung.

Vì vấn đề phức tạp này của bản thể học và nhận thức luận, hiện nay người ta đứng trước một tình trạng phân kỳ trong ngành vật lý khi tìm đến thực tại “cuối cùng” của thế giới hiện tượng.

2. Thuyết “sự vận động toàn thể” của David Bohm

Nhằm tiến tới một lý thuyết giải thích được những hiện tượng vật lý trong hai thuyết, cơ học lượng tử và thuyết tương đối và nhất là những nghịch lý được nêu lên, David Bohm phát triển một lý thuyết được gọi là “sự vận động toàn thể” (holomovement). Khái niệm trung tâm của thuyết này là “thứ bậc nội tại ” (implicate order).

2.1. Thứ bậc và thứ bậc nội tại [7]

“Thứ bậc” (Order) là khái niệm mới do Bohm nêu lên. Đối với Bohm mỗi thực tại, mỗi sự vận động có thứ bậc của nó. Cùng với các phát hiện mới, ngành vật lý dần dần khám phá thứ bậc của sự vận động, với những mức độ từ cạn tới sâu. Sự vận động cơ giới trong lý thuyết của Newton được Bohm gọi là có “thứ bậc không gian Descartes”. Trong thứ bậc này, mọi sự vật đều được xem là riêng lẻ, cái này nằm ngoài cái kia và tác động lên nhau bằng lực tương tác giữa vật thể.

Với lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử, dù giữa hai bên có những khác biệt vô cùng cơ bản (như tính chất phi liên tục, tính ngẫu nhiên, tính liên thông…của vật lý lượng tử), Bohm thấy cả hai đều mang chung một thứ bậc mới, đó là ta phải xem sự vật là một cái toàn thể không thể phân chia (undivided wholeness), trong đó sự cách ly các yếu tố của sự vận động không còn được chấp nhận. Thứ bậc này hoàn toàn khác với thứ bậc trong nền vật lý của Galileo và Newton. Thí dụ không gian, thời gian là một thể thống nhất trong thuyết tương đối, người quan sát và vật được quan sát là một thể thống nhất trong cơ học lượng tử.

Sự phát triển của vật lý hạ nguyên tử gần đây cũng như những nghịch lý trong ngành vật lý đòi hỏi ta phải có một lý thuyết lý giải được vấn đề. Nhất là nghịch lý EPR xem ra buộc ta phải từ bỏ một trong hai quan niệm hầu như bất khả xâm phạm của ngành vật lý như đã trình bày ở trên. Ở đây, Bohm cho rằng phải đi sâu thêm một mức độ nữa để thấy một thứ bậc mới của thực tại. Thứ bậc này được Bohm mệnh danh là “thứ bậc nội tại” (implicate order). Nội dung của thứ bậc này là “cái toàn thể nằm trong từng cái riêng lẻ”. Nói rõ hơn, thực tại là hình ảnh của toàn vũ trụ được chứa ẩn tàng trong từng đơn vị nhỏ nhất của bản thân nó.

2.2. Ảnh toàn ký (Hologram)

Khái niệm thứ bậc nội tại nói trên khó hiểu nên Bohm đề nghị ta hãy liên tưởng đến một “ảnh toàn ký” (Hologram) để nắm bắt được ý nghĩa của quan niệm này. Ảnh toàn ký là hình ảnh ba chiều được hình thành bởi tia sáng laser. Đầu tiên, một vật thể ba chiều được chiếu rọi bằng laser và sau đó cho phản chiếu lên phim. Tấm phim lại được rọi bằng một nguồn laser thứ hai. Hai nguồn laser sẽ giao thoa với nhau trên phim và ảnh giao thoa sẽ được ghi lại trên phim. Ảnh giao thoa chỉ là những nét chi chít đậm nhạt hầu như vô nghĩa. Thế nhưng nếu ta rọi phim đó bằng một nguồn laser khác thì sẽ hiện lên hình ảnh của vật thể ban đầu trong dạng ba chiều.

Điều kỳ lạ là nếu ta cắt tấm phim ra làm hai phần và chỉ rọi một nửa thì toàn bộ hình ảnh ba chiều vẫn tái hiện. Nếu ta cắt nhỏ tấm phim ra thành những đơn vị rất nhỏ, hình ảnh toàn phần ba chiều vẫn hiện lên đầy đủ, dĩ nhiên kích thước của nó bị thu nhỏ đi. Điều đó có nghĩa, mỗi phần nhỏ nhất của tấm phim vẫn chứa đầy đủ nội dung toàn phần của vật thể ban đầu.

Theo Bohm thế giới hiện ra trước mắt ta chỉ là một hình ảnh hologram của thực tại và sự vận động của thực tại được Bohm gọi là holomovement (sự vận động toàn thể).

2.3. Quan niệm về thực tại của David Bohm

Theo Bohm vũ trụ, thế giới vật chất mà ta đang thấy xung quanh mình là dạng hình được khai triển (unfolded) từ một thực tại sâu kín hơn. Thực tại sâu kín này là một cái toàn thể bất khả phân, không thể định nghĩa, không thể đo lường. Trong thực tại này mọi sự đều liên kết chặt chẽ với nhau. Thực tại này không nằm yên mà luôn luôn vận động nên được mệnh danh là “sự vận động toàn thể” (holomovement) và nó là nguồn gốc, là cơ sở của mọi dạng xuất hiện của vật chất và tâm thức.

Muốn hiểu quan niệm thực tại của Bohm ta cần từ bỏ phép giải tích, từ bỏ cách nhìn vũ trụ hiện nay như ta đang nhìn, xem nó gồm nhiều phần tử đang dàn ra trong không gian thời gian, điều mà Bohm gọi là “thứ bậc dàn trải” (explicate order). Sự thay đổi thứ bậc này trong cách cảm nhận vũ trụ là khó khăn hơn cả sự chuyển đổi tư duy từ vật lý cơ giới qua thuyết tương đối hay qua cơ học lượng tử. Thứ bậc nội tại đòi ta biết cách nhìn “một trong tất cả, tất cả trong một”, một điều rất xa lạ với con người bình thường.

Hãy nêu lên vài ẩn dụ để tới với cách nhìn này:

Xem hệ phát sóng truyền thanh truyền hình. Nội dung phong phú của chương trình đã được chứa “ẩn tàng” trong mỗi đơn vị của sóng, lan tỏa trong không gian với vận tốc ánh sáng. Khi gặp máy thu hình thì thứ bậc ẩn tàng đó đã được “bung” ra để thành hình ảnh hay lời nói. Hoặc khi ngắm nhìn vũ trụ, ta thấy vô số vật thể trong không gian vô tận, chúng đại biểu cho sự vận động trong thời gian vô tận. Vô số những quá trình đó được chứa ẩn tàng trong sự vận động của ánh sáng thông qua một khoảng không gian tí hon của con mắt. Và sau đó nó “bung” ra trong óc ta để ta thấy vũ trụ. Trong cơ thể sinh vật, mỗi một tế bào nhỏ nhất cũng chứa DNA, thông tin của toàn bộ cơ thể đó. DNA cũng là một hình ảnh dễ hiểu của quan niệm “một trong tất cả, tất cả trong một”.

Thí dụ giản đơn và có tính cơ giới nhất là một thanh nam châm với hai cực nam bắc. Nếu ta cắt thanh nam châm đó làm hai thì lập tức chỗ cắt sẽ sinh ra hai cực nam bắc. Nếu tiếp tục cắt thì ta sẽ có tiếp những thanh nam châm nhỏ hơn nữa. Do đó ta có thể nói mỗi điểm trong thanh nam châm đã chứa “ẩn tàng” hai cực nam bắc. Có cắt thì hai cực đó mới hiện ra, không cắt thì chúng nằm trong dạng “nội tại”.

Những ẩn dụ trên có thể có ích để hình dung về một thứ bậc nội tại nhưng chúng có hiểm nguy là làm ta lầm tưởng thực tại như là “sóng truyền hình” hay một không gian với các đơn vị vật chất riêng lẻ và tuân thủ theo những qui luật nhất định.

Ngược lại, theo Bohm, thực tại là một thể thống nhất đang vận động, không thể phân chia, không thể định nghĩa, không thể đo lường mà một số dạng xuất hiện của nó hiện ra với ta như hạt, như sóng hay như những đơn vị tách lìa nhau và có tính chất ổn định tương đối. Những đơn vị vật chất, thí dụ electron, chỉ là một cái tên tạm đặt cho một khía cạnh xuất hiện của thực tại đó. Vật chất chỉ là một số dạng được “dẫn xuất” (abstracted) từ thực tại đó. Các qui luật vật lý đều là những lý thuyết áp dụng cho một số hiện tượng xuất phát từ sự vận động toàn thể đó. Và toàn thể vận động chính là sự tiếp nối liên tục giữa hai giai đoạn ẩn-hiện (enfold-unfold) của sự vận động toàn thể, mà vũ trụ của chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ của nó.

Theo Bohm, phương pháp thông thường đến nay của vật lý là xem sự vật vốn tách biệt và được nối với nhau bằng những lực tương tác. Nhiệm vụ của khoa học là xét các sự vật riêng biệt và sau đó thấy cái toàn thể là tổng số các sự vật. Ngược lại, trong quan niệm thứ bậc nội tại, người ta phải bắt đầu với cái toàn thể bất khả phân và nhiệm vụ của khoa học là suy ra các phần đơn lẻ của nó bằng cách trích dẫn, xem chúng chỉ là những phần tử tạm thời ổn định và độc lập. Những phần tử xuất hiện có tính tạm thời đó được mô tả bằng “thứ bậc dàn trải”. Trên cơ sở này Bohm nêu lên những nhận định như sau:

– Trong quá trình ẩn-hiện nhanh chóng của sự vận động toàn thể đó, có những dạng xuất hiện mà giác quan ta thấy là hạt. Chúng nối tiếp nhau xuất hiện trong thứ bậc dàn trải, khi thì ta thấy chúng nằm trên đường thẳng, khi thì hình cong trong không gian và tưởng có những lực tương tác chúng với nhau. Thực tế chúng là dạng xuất hiện kế tiếp nhau của một “tập hợp” (ensembles) không mang tính chất không gian. Ngược lại vì chúng “hiện” ra liên tiếp, cái này sau cái kia mà ta thấy có không gian. Quan niệm này giải thích dễ dàng sự phi liên tục trong sự vận động được nêu ra bởi cơ học lượng tử. Ngoài ra vì hạt chỉ là dạng xuất hiện của sự vận động toàn thể, nên khi những điều kiện thay đổi thì dạng xuất hiện cũng thay đổi, lúc đó nó có dạng sóng. Nghịch lý của sóng-hạt không còn tồn tại trong quan niệm về thực tại này nữa. Vật chất chỉ là một số khía cạnh thứ cấp của cái toàn thể đang vận động (subtotality of movement).

– Xuất phát từ cơ học lượng tử, đặc biệt từ nghịch lý EPR, ta phải tin rằng thứ bậc nội tại có nhiều chiều (multidimensional). Thứ bậc dàn trải ba chiều của chúng ta chỉ là một hình chiếu (projection) của thứ bậc nội tại. Trước vấn đề của mối liên hệ “liên thông” (đặc tính thứ ba) nói ở trên, Bohm dùng thứ bậc nội tại nhiều chiều để giải thích và dùng ẩn dụ “hồ cá” sau đây để minh họa. Trong một hồ cá chỉ có một con cá duy nhất. Hồ cá được thu hình bằng hai máy quay phim từ hai hướng khác nhau. Hai máy quay phim đó được ghi hình lên hai màn ảnh khác nhau A và B. Như ta thấy, hình A và B không hề có mối liên hệ nhân quả hay tương tác gì với nhau cả, chúng chỉ là hai hình của một vật thể (con cá) duy nhất.

Tương tự như thế, hai đơn vị vật chất có mối liên hệ liên thông chẳng qua chỉ là hình chiếu của một đơn vị duy nhất của một thực tại nhiều chiều hơn. Thật ra chúng chẳng tương tác với nhau gì cả, chỉ là hai dạng khác nhau của một thực thể. Sự tách biệt của chúng trong không gian chỉ là một ảo tưởng (illusion) của chúng ta khi đứng trước thứ bậc dàn trải, nơi đó thực thể nọ đã bị “dàn trải” làm hai đơn vị. Theo Bohm số lượng kích chiều của thứ bậc nội tại là vô tận (infinite).

– Xuất phát từ quan niệm năng lượng là vô tận trong chân không lượng tử, Bohm quan niệm vũ trụ là một biển năng lượng đa chiều đang vận động trong dạng của thứ bậc nội tại. Vũ trụ vật chất mà ta đang thấy chỉ là một dạng hình của năng lượng bao la đó khi bị kích thích sinh ra. Dạng hình đó có tính chất ổn định tạm thời và chiếu hiện lên không gian ba chiều theo cách của thứ bậc dàn trải. Còn không gian trống rỗng mà ta đang thấy là được chứa đầy bởi một thứ “tinh chất” (plenum). Tinh chất này không có chất liệu vật chất như quan niệm ê-te của thế kỷ thứ 19. Quan niệm về vũ trụ hiện nay là quan niệm “big bang”, cho rằng khởi thủy là một vụ nổ từ một điểm nhỏ trong không gian và thời gian cách đây hơn 10 tỉ năm. Trong quan niệm của Bohm thì vụ nổ đó chỉ là một gợn sóng nhỏ (just a little ripples) của biển năng lượng mênh mông kia. Hiện tượng “lỗ đen” cho phép ta dự cảm có nhiều vũ trụ khác tồn tại song hành, cũng trong dạng thứ bậc dàn trải như vũ trụ vật chất của chúng ta.

– Bohm cho rằng không có sự khác biệt giữa thế giới vô sinh và sự sống. Cả hai đều lấy thứ bậc nội tại làm gốc, lấy nơi đó những “thông tin” (information) cho sự vận hành của quá trình của bản thân mình. Cũng như hạt giống của một cây con là nơi chứa đựng và phát xuất thông tin để “lèo lái” các thành phần xung quanh (đất, nước, ánh sáng mặt trời) cấu tạo nên cây thì các đơn vị vật chất cũng tiếp nhận “thông tin” từ thứ bậc nội tại để xuất hiện từng chập nhanh chóng, do đó mà ta thấy chúng dường như tồn tại liên tục. Vì vậy đối với Bohm, sự sống (life) là được chứa ẩn tàng trong thứ bậc nội tại. Trong một số dạng của hiện tượng thì sự sống không xuất hiện rõ nét, trong một số khác thì rõ ràng hơn.

– Cuối cùng, Bohm đi một bước dài và cho rằng ý thức con người cũng lưu xuất từ thứ bậc nội tại đó. Vật chất và ý thức có tác dụng hỗ tương lẫn nhau, ý thức sinh ra những dấu vết trên vật chất và ngược lại. Do đó hai mặt này bắt nguồn từ một thứ bậc chung, có kích chiều cao hơn. Cả hai vật chất lẫn ý thức đều là dạng xuất hiện của thực tại nhiều kích chiều đó. Bohm đề nghị một đơn vị cơ bản vận động trong thứ bậc nội tại đó, ông gọi là “chập” (moment). Một chập chứa tất cả những chập khác, một chập có thể rất nhỏ hoặc rất lớn, có khả năng “bung” ra trên thứ bậc dàn trải để thành không gian và thời gian. Mỗi chập trong sự vận động sẽ hiện ra trong thứ bậc dàn trải, lại trải nghiệm nó, trở nên phong phú rồi tác động ngược lại vào trong để sinh ra một lực mà Bohm gọi là “lực thiết yếu” (force of necessity) để sinh ra chập sau. Ý thức và thân vật chất đều là phản ánh của thực tại đó, chúng không có mối liên hệ nhân quả với nhau và xảy ra đồng thời. Khi nói ý thức là ý thức cá thể nhưng nó nằm chung trong một biển mênh mông của một thực tại duy nhất. Mỗi ý thức cá thể đều chứa toàn bộ thực tại đó.

Dạng vật chất của mọi hiện tượng là phản ánh của sự vận động toàn thể, nên nếu chỉ xét dạng vật chất thôi ta cũng có thể đến gần với sự thực nhưng sẽ không đầy đủ. Do đó những quan niệm khoa học đứng trên cơ sở của thứ bậc dàn trải là không sai nhưng không trọn vẹn. Thí dụ khi xét lịch sử của sinh vật ta có thể sử dụng thuyết chuyển hóa (evolution) nhưng thuyết này sẽ có tính cách rất cơ giới. Nếu lấy sự vận động toàn thể làm cơ sở, ta sẽ xem đây là một loạt những dạng của sự sống đã triển khai một cách đầy sáng tạo.

 


TS. Nguyễn Tường Bách


3. Mối liên hệ với Kinh Lăng Nghiêm

Thuyết “sự vận động toàn thể” với quan niệm then chốt “thứ bậc nội tại” là một bước nhảy vọt của khoa học vật lý trong vũ trụ quan. Xưa nay người ta thấy thế giới hiện tượng là một thực thể khách quan, nằm ngoài con người và xem nó là đối tượng đích thực của ngành vật lý. Cả thuyết tương đối lẫn cơ học lượng tử, dù có xem người quan sát (và thiết bị quan sát) cần phải được thống nhất vào chung một thể với vật bị quan sát, nhưng nói chung nền vậy lý vẫn giả định có một thực thể ở “bên ngoài”. Thực tế là, quan niệm “vật ở ngoài nhau” là đặc trưng của ý thức hệ phương Tây, bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại.

Nay, khi thuyết của Bohm xem thế giới hiện tượng chỉ là thứ bậc dàn trải, là sự trình hiện của một thứ bậc sâu xa hơn – thứ bậc nội tại – khi đó, Bohm đã làm một bước nhảy vọt về nhận thức. Đã đành hiện nay cũng có nhiều lý thuyết vật lý khác cũng xem thực tại như một thực thể có nhiều chiều (thí dụ lý thuyết dây) mà thực tại của chúng ta chỉ là dạng xuất hiện ba chiều của nó, nhưng thuyết của Bohm đi xa hơn hẳn, cho rằng thứ bậc nội tại bao gồm vật chất, lẫn ý thức, bao gồm cả toàn bộ sự sống của mọi sinh vật, kể cả loài người. Do đó thuyết của Bohm được mệnh danh là phép diễn giải thuộc về bản thể luận (ontology), trong lúc các lý thuyết kia là những phép diễn giải thuộc về nhận thức luận (epistemology).

Nhớ lại hai thuyết tương đối và lượng tử, ở đây ta thấy có một sự tương đồng thú vị về sự phát sinh của ba lý thuyết. Nếu thuyết tương đối được phát sinh bởi sự bất biến của vận tốc ánh sáng, thuyết lượng tử bởi tính phi liên tục trong sự vận động của các hạt hạ nguyên tử, thì thuyết “vận động toàn thể” được phát sinh bằng tính chất liên thông của các hạt đó. Cả ba điểm xuất phát đều là những kết quả của thực nghiệm cả. Một điều tương đồng nữa là thuyết của Bohm dẫn đến những giả định về bản thể luận vô cùng xa lạ với nhà vật lý, cũng như những hệ quả của thuyết tương đối và cơ học lượng tử cũng rất khó hiểu, kể cả đối với những ai làm việc với hai lý thuyết này.

Mặc dù xuất phát từ kết quả thực nghiệm, nhưng lý thuyết của Bohm chưa được cộng đồng vật lý thừa nhận vì những giả định thuộc về bản thể luận của ông chưa được chứng minh là tất yếu. Ngoài ra những giả định đó vượt khỏi phạm vi “thông thường” của ngành vật lý, vì nó bao gồm cả vật chất lẫn tâm thức, cả lĩnh vực vô sinh và sự sống. Dù thế, thuyết của Bohm được nhiều nhà vật lý quan tâm vì nó trả lời nhất quán được nghịch lý EPR về các hạt liên thông và nhất là nó mở ra nhiều khả năng khác của vật lý hiện đại.

Từ một hướng nhìn khác, thuyết “sự vận động toàn thể” của Bohm không thể không làm ta liên tưởng đến triết học Phật giáo. Quan niệm “tất cả trong một, một trong tất cả” chính là tư tưởng Hoa Nghiêm. Chủ trương “thực tại xuất hiện như một cảnh tượng khi bị quan sát” đã được Kinh Lăng Nghiêm nói đến. “Sự sống, ý thức lẫn vật chất đều lưu xuất từ một thể” chính là quan niệm Duy thức trong Phật giáo Đại thừa.

Tinh túy của triết học Phật giáo chính là vấn đề bản thể luận của thế giới và con người. Vì lý thuyết của Bohm cũng là một thế giới quan có tính bản thể luận nên nơi đây ta thử tìm hiểu, liệu triết lý Phật giáo có thể soi sáng gì hơn cho lý thuyết của Bohm hay không. Cũng chỉ trên mảnh đất bản thể học mà hai ngành khoa học và Phật giáo mới có chỗ tiếp cận với nhau.

Sau đây ta sẽ dẫn vài nét lớn của Kinh Lăng Nghiêm [8] về bản thể của thế giới hiện tượng. Sau đó ta sẽ vận dụng quan niệm Lăng Nghiêm [và nói chung của Phật giáo Đại thừa] để lý giải vài vấn đề bản thể học được vật lý hiện đại nêu lên.

3.1. Thế giới quan trong Kinh Lăng Nghiêm

Kinh Lăng Nghiêm nói về một thể uyên nguyên, được tạm mệnh danh là “Chân Tâm”. “Tính chất” của Chân Tâm là phi hình tướng, phi tính chất, không thể nghĩ bàn. Nhiều người cố nghĩ về Chân Tâm và tạm hình dung Chân Tâm như một “biển tinh lực uyên nguyên” hay “vầng trăng tròn đầy” hay “không gian vô tận”. Dù hình dung thế nào đi nữa, Chân Tâm có hai “công năng” như sau: lặng lẽ chiếu soi và có khả năng tự chiếu soi mình. “Chiếu soi” có thể được hiểu như “nhận thức” trong ngôn ngữ hiện đại. Từ “chiếu soi” làm ta cảm nhận là biển tinh lực đó gồm vô số cực quang hay quang minh (radiation) rực rỡ.

Xuất phát từ một Chân Tâm thuần túy “lặng lẽ chiếu soi” đó, bỗng một “vọng tâm” nổi lên, đó là lúc Chân Tâm quay qua tự nhận thức chính mình và thấy có một thể bị nhận thức (tướng phần) và một thể nhận thức (kiến phần). Theo ngôn ngữ hiện đại thì với vọng tâm, xuất hiện một lúc hai thể tính: người quan sát và vật bị quan sát.

“Vọng tâm” được Kinh Lăng Nghiêm sánh với cơn buồn ngủ. Khi ngủ mê thì hiện ra giấc mộng, trong đó có người có ta, có cảnh vật, có diễn biến thông không gian và thời gian. Nếu tỉnh dậy thì tất cả cảnh vật trong mơ cũng không còn. “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi, vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt” [9] .

Đối với Phật giáo, thế giới hiện tượng là một sự trình hiện, là một huyễn cảnh (maya) như “hoa hiện trong hư không”. Thế giới đó trình hiện cho một quan sát viên nhất định, mỗi quan sát viên có một thế giới. Thế nhưng như ta đã nói ở trên, quan sát viên lẫn thế giới hiện tượng đều là phần tử của Chân Tâm (kiến phần và tướng phần) nên đều chính là Chân Tâm cả. Cả hai đều lưu xuất từ Chân Tâm, bị “vọng hóa” mà thấy có chủ thể (người quan sát) và khách thể (vật bị quan sát).

Thêm một bước vọng hóa, chủ thể quan sát lại làm thêm hai “lầm lạc” nữa, đó là:

a) cá thể đó sinh khởi thương ghét, yêu thích hay từ chối đối với vật được quan sát vì tưởng rằng những sự vật tồn tại độc lập ở “bên ngoài” (chấp pháp)

b) người đó tưởng mình là một chủ thể có thực, có một cái Tôi tồn tại riêng biệt ở “bên trong” (chấp ngã). Cũng như trong giấc mộng, người nằm mơ thấy ta, người và cảnh vật đều thực có.

Xuất phát từ hai thành kiến chấp pháp và chấp ngã, với mọi tâm trạng diễn biến liên tục và nhất là với tâm lý yêu ghét, người quan sát sinh ra vô số quá trình vọng hóa với nhiều mức độ tâm lý với nhiều tính chất khác nhau, chồng chất bao phủ lên nhau. Đạo Phật chia các quá trình tâm lý đó thành bốn giai đoạn, bốn mức độ khác nhau mà thuật ngữ gọi là thọ, tưởng, hành, thức. Ngoài bốn quá trình tâm lý đó, đạo Phật còn xem “sắc” là toàn bộ hiện tượng mà ta gọi là vật chất, kể cả thân vật chất của người quan sát. Do đó sắc, thọ, tưởng, hành, thức được gọi chung là “ngũ uẩn”, là toàn bộ tiến trình của vọng tâm được sinh ra và phát triển, khi Chân Tâm “dại dột” tự chiếu soi chính mình và sa vào chấp ngã, chấp pháp. Ngũ uẩn bao phủ quanh cá thể với các dạng tâm lý và vật lý. Thế giới đang bao trùm xung quanh chúng ta chỉ là một thế giới đang hiện lên cho mỗi cá thể chúng ta, thế giới đó gồm vật chất (sắc), tức là các dạng vật chất quanh ta cùng với thân thể, cộng với các hoạt động tâm lý (thọ tưởng hành thức) đang được duy trì và phát triển liên tục.

Sự hình thành thế giới đó có thể được tưởng tượng như một vận động xoáy vòng vô hình và thần tốc, còn cá thể đứng ở giữa mà nhận thức. Những vọng tâm “kiên cố” nhất bị “tạt” xa ra bên ngoài, biến thành thể vật chất. Khi biến thành vật chất các vọng tâm đó bị dàn trải để hiện thành không gian và thời gian. Chính sự vận động của các vọng tâm kiên cố nói trên làm người quan sát thấy có vật chất và vọng tưởng thấy có không gian và thời gian [10] .

Mỗi thế giới đó tuy là có giá trị cho mỗi cá thể nhưng chúng hòa vào nhau, tưởng chừng như thể nhiều cá thể, toàn xã hội, toàn loài người…có chung một thế giới. Đó là vì “cộng nghiệp” chung của nhiều cá thể làm cho những cá thể đó thấy chung một thế giới, như thể chỉ có một thế giới duy nhất. Vì sự vật chỉ là sự trình hiện nên không thể nói “có” hay “không có” một cách tuyệt đối được. Khi nói “có” là “có” cho những cá thể nhất định, đối với một người là “có” nhưng đối với người khác là không cũng như người nằm mơ thấy “có sự vật” nhưng sự vật đó không có cho người tỉnh. Do đó khái niệm cộng nghiệp là hết sức quan trọng để giải thích thế giới hiện tượng “chung” của chúng ta.

Điều nói trên còn dẫn đến một triết lý sâu xa hơn nữa, đó là “pháp vô ngã”, “nhân vô ngã”. Pháp vô ngã cho rằng không có sự vật nào tồn tại với tự tính riêng của nó cả, tất cả đều chỉ là sự biến hiện làm ta thấy “có” khi đủ điều kiện (nhân duyên sinh) để cho sự vật trình hiện trước mắt ta. Nhân vô ngã cho rằng con người mà ta tưởng là có một cái Tôi đứng đằng sau chỉ là sự vận hành vô chủ của ngũ uẩn. Các tình trạng của ngũ uẩn diễn ra, cái này tiếp nối cái kia, nhưng không ai làm chủ chúng cả. Triết lý nhân vô ngã và pháp vô ngã cho thấy mặc dù thế giới hiện tượng và thế giới tâm lý vận hành liên tục nhưng đó là sự vận động nội tại của nó, không ai làm chủ cho chúng cả. Sự vận động đó chủ yếu xuất phát từ “hành” (Samskara), đó là động cơ tâm lý tạo tác hành động và qua đó tạo tác thế giới. Toàn bộ những động cơ tâm lý đó được gọi là “nghiệp” hay “nghiệp lực”. Nghiệp lực (của cá thể và của toàn thể) là tác nhân làm thế giới vật chất được duy trì, nó làm cho vũ trụ được sinh ra và phát triển [11] .

Như đã nói, sắc thọ tưởng hành thức đều lưu xuất từ Chân Tâm. Chân Tâm có đặc tính “chiếu soi” và “tự chiếu soi” nên cả năm yếu tố của ngũ uẩn đều có khả năng nhận thức và tự nhận thức. Yếu tố vật chất (sắc) cũng có khả năng nhận thức và tự nhận thức. Đọc nhiều kinh Đại thừa, ta có thể cảm nhận Chân Tâm là một nguồn tinh lực vô tận và dạng xuất hiện của nó trong thế giới vật chất là “quang minh”. Quang minh trong thế giới vật chất (sắc) chính là ánh sáng, là các dạng sóng điện từ khác như nhiệt, quang tuyến…Quang minh trong thế giới tâm lý (thọ tưởng hành thức) là những loại sóng mà ngày nay ta chưa xác định được chính xác.

Ngũ uẩn không phải là năm yếu tố riêng lẻ lẫn nhau mà vì chúng có chung nguồn gốc Chân Tâm nên chúng dung thông và chứa đựng lẫn nhau trong tinh thần “một trong tất cả, tất cả trong một”. Một hệ quả của quan niệm này là mọi hoạt động trong tâm lý (thọ tưởng hành thức) đều có dấu vết trong vật lý (sắc) và ngược lại mọi điều chỉnh trong vật lý đều có tác dụng trong tâm lý. Sắc chính là Không, Không chính là sắc (Tâm Kinh). Do đó “trên đầu một cọng cỏ chứa tam thiên thế giới” (tư tưởng Hoa nghiêm).

Như vậy, đối với Phật giáo, với “ngũ uẩn”, khái niệm “vật chất” – tức là thế giới hiện tượng lẫn thân vật chất của con người – chỉ nằm trong trong từ “sắc”. Một cách phân loại khác cho thấy thế giới vật chất được xem do “tứ đại” (đất nước gió lửa) hình thành, tương tự như quan niệm của các triết gia cổ đại của Hy Lạp. Dù thuộc về cách phân loại nào, vật chất được hình thành và duy trì là dựa trên vọng tưởng của tâm. Một đặc tính quan trọng khác là: Vật chất không có tự tính riêng biệt (pháp vô ngã), chỉ tồn tại trên cơ sở tương quan đối với người quan sát. Mỗi người quan sát sống trong một thế giới riêng của họ, thế giới tưởng là chung cho tất cả chẳng qua là do cộng nghiệp xây dựng thành.

Trên những cơ sở này, ta thử xem Phật giáo có thể nói gì về những luận đề bản thể học của thế giới vật chất.

3.2. Vài kiến giải của đạo Phật về vật chất

– Thế giới vật chất là dạng xuất hiện của tâm, là sự trình hiện của tâm trước mắt người quan sát mà người quan sát cũng là tâm nốt. Điều này lý giải một câu hỏi quan trọng của vật lý là, nếu thực tại bên ngoài là độc lập với ý thức thì tại sao con người có thể nắm bắt được thực tại và tại sao thực tại lại tuân thủ những công thức toán học của con người.

Trả lời câu hỏi này, Kepler từng cho rằng khả năng “thiêng liêng” đó là nhờ Thượng đế. Đối với Phật giáo, cả ý thức lẫn vật chất đều lưu xuất từ tâm, chúng dung thông và chứa đựng lẫn nhau, chúng dựa lên nhau mà có. Vì có người quan sát nên có vật được quan sát. Vật được quan sát không thể tồn tại được nếu không có người quan sát.

– Cả vật chất lẫn ý thức là những dạng xuất hiện của tâm, chúng chỉ là những dạng hình thứ cấp lưu xuất từ tâm. Do đó quan niệm về “thứ bậc nội tại”, về một thực tại ẩn tàng chứa cả vật chất, ý thức, đời sống và có nhiều chiều như Bohm quan niệm là rất gần với tư tưởng triết học Phật giáo. Trong lý thuyết của Bohm, vật chất là những cấu trúc xuất hiện có tính chất tạm thời, tương đối, chúng là hình ảnh được “trích” ra từ một vận động toàn thể cũng rất phù hợp với quan niệm của Phật giáo. Sự vận động toàn thể của Bohm có thể được xem gần giống như sự lưu chuyển của A-lại-da thức, trong đó vật chất chỉ được xem là những vọng tưởng được “lóng lại thành cõi xứ”.

– Phật giáo quan niệm “Sắc chính là Không”, thế giới vật chất chính là Chân Tâm. Do đó mỗi nơi mỗi chỗ trong thế giới vật chất đều chứa năng lượng vô tận của Không. Quan niệm về “chân không lượng tử” hiện nay cho rằng, mỗi đơn vị tí hon trong chân không lượng tử chứa năng lượng vô tận, cũng đi gần với quan niệm về Sắc-Không của Phật giáo. Hơn thế nữa Phật giáo cho rằng mỗi nơi mỗi chỗ trong Sắc cũng chứa toàn bộ thế giới vật chất trong quan niệm “một trong tất cả, tất cả trong một”. Do đó quan niệm của Bohm về hình ảnh toàn ký (hologram) cũng rất tương tự với hình ảnh “tam thiên thế giới” được minh hoạ trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong ẩn dụ này thế giới xuất hiện như một ảo ảnh ba chiều khi mắt tiếp xúc với ánh sáng cho ta thấy Bohm cũng quan niệm thế giới vật lý xuất hiện như một ảo giác, đó là điều mà đạo Phật đã nhấn mạnh với từ maya.

– Vì vật chất chỉ là dạng xuất hiện của tâm, không có tự tính riêng, chỉ tùy nhân duyên mà trình hiện nên Phật giáo không thấy có mâu thuẫn giữa hai dạng sóng-hạt của vật chất. Cả sóng lẫn hạt đều xuất hiện khi đầy đủ nhân duyên hội tụ cho chúng xuất hiện. Trong vật lý hạ nguyên tử, “nhân duyên” chính là cách dò tìm của người quan sát và cách xếp đặt thiết bị đo lường. Điều này thì cơ học lượng tử đã thừa nhận, đó là “tính chất của thiên nhiên là câu trả lời của thiên nhiên đối với cách hỏi của ta đặt ra” (Heisenberg). Sự nghịch lý sóng-hạt chỉ có khi ta cho rằng vật chất phải có một tự tính riêng, điều mà đạo Phật bác bỏ.

– Nghịch lý EPR của những hạt liên thông cũng không tồn tại với thế giới quan của Phật giáo vì rằng mọi hạt vật chất đều lưu xuất từ tâm. Giữa các dạng vật chất đó cũng như giữa vật chất và ý thức đều có sự dung thông vì tất cả đều là tâm. Do đó những hạt liên thông có mối quan hệ trên một cấp bực khác, sâu hơn cấp bực của vật chất. Vì vậy mà chúng có trao đổi với nhau, “biết đến” lẫn nhau vì mỗi mức độ của sắc cũng đều chứa ý thức cả. Trong lĩnh vực của vật chất, vì có thời gian và không gian xuất hiện nên mọi vận hành của tâm bị giới hạn trong những mức độ đo được. Do đó vận tốc ánh sáng, hằng số Planck etc…là những số rất lớn/rất nhỏ nhưng có giới hạn. Còn trong lĩnh vực tâm lý của thọ tưởng hành thức, mọi tín hiệu đều có vận tốc vô tận, tức là có tính chất liên thông. Nói chung thì mọi yếu tố trong ngũ uẩn đều “liên thông” (non-local) với nhau mà thuật ngữ Phật giáo gọi là “dung thông”.

– Quan niệm phải đưa quan sát viên vào quá trình chung với vật được quan sát của thuyết tương đối và cơ học lượng tử là hoàn toàn tương thích với thái độ của Phật giáo mặc dù Phật giáo xuất phát từ một cái nhìn khác. Theo Phật giáo không có quan sát viên thì cũng không có vật được quan sát, vật đó chỉ có khi có ai quan sát nó. Nếu không có ai quan sát nó thì cũng không có nó. Đối với Phật giáo, không có vật nào tồn tại độc lập cả mà chúng đều chỉ tồn tại trên cơ sở tương quan với vật khác. Trung Quán Tông là trường phái nhấn mạnh nhiều nhất quan niệm này.

– Sự duy trì một thế giới vật chất là nhờ nghiệp (biệt và công nghiệp). Nghiệp do tâm với tính chất quang minh tạo thành. Do đó vật chất có dạng sóng, điều mà ngày nay người ta thừa nhận. Quang minh của tâm có sức vận động vô tận, ta không thể quan niệm về một độ dài sóng. Nhưng khi quang minh lấy dạng vật chất thì có không gian thời gian sinh ra, lúc đó ta nói về một độ dài sóng, về tần số. Tần số vi tế nhất của quang minh vật chất đã dẫn đến những đơn vị nhỏ nhiệm nhất mà vật lý thể hiện bằng hằng số Planck. Tương tự thế, ánh sáng trắng trong thế giới vật chất của ta tuy là một dạng của tâm nhưng trong thế giới ba chiều thì có vận tốc giới hạn.

– Vì nghiệp lực là tác nhân duy trì thế giới nên nó luôn luôn đẩy thêm năng lực vào thế giới vật chất, do đó có sự vận động trong tuần hoàn mà Kinh Lăng Nghiêm gọi là “sáng-tối lần lượt tỏ bày”. Đây là điều mà Bohm gọi là ẩn-hiện (enfolding-unfolding). Trong dạng vật chất mọi thứ thuộc tâm đều phải xuất hiện một cách hữu hạn (finite) nên từ đó phát sinh khái niệm lượng tử và mối liên hệ bất định của Heisenberg.

– Theo Phật giáo, vật chất được hình thành và duy trì bởi lực tạo tác của cộng nghiệp và biệt nghiệp của nhiều cá thể. Các nghiệp lực đó xuất phát từ sự vận hành của ngũ uẩn mà ngũ uẩn là vô ngã, là vận hành vô chủ. Do đó mọi dạng vật chất đều thành hình một cách ngẫu nhiên [12] , không do chủ ý của ai.

Trên cơ sở đó ta có thể lý giải tính chất “thống kê” trong cơ học lượng tử một cách dễ dàng.

Nhìn chung, nếu đứng trên quan niệm của Phật giáo, cho mọi “pháp hữu vi” (trong đó có vật chất) là “mộng, huyễn, bào, ảnh, như sương sa, điển chớp” (Kinh Kim Cương), cho mọi dạng vật chất chỉ tạm thời, không có tự tính, không tồn tại thực sự mà chỉ tồn tại trên cơ sở tương quan với người quan sát, ta có thể lý giải dễ dàng mọi điểm cơ bản của thuyết tương đối và cơ học lượng tử.

Tuy nhiên vì lý thuyết Phật giáo nêu lên những đề tài thuộc về bản thể luận, ta chỉ tìm thấy trong đó những ý niệm có tính chất định tính hơn định lượng. Sự xác định những khái niệm định lượng như các hằng số, các đẳng thức và bất đẳng thức trong thế giới vật chất phải là nhiệm vụ của các nhà vật lý.

Trong các phép diễn giải về cơ học lượng tử và các lý thuyết với tham vọng giải thích một cách nhất quán được thế giới hiện tượng thì thuyết “thứ bậc nội tại” của Bohm là tiến gần nhất với triết học Phật giáo. Thế nhưng Bohm và các cộng sự của ông chưa đến với chìa khóa quan trọng nhất của đạo Phật là “pháp vô ngã, nhân vô ngã”.

Khái niệm “chập” (moment) của Bohm có thể xem là “pháp” của Phật giáo nhưng “chập” của Bohm chỉ mới được định nghĩa như “biến cố” trong thứ bậc nội tại. Nếu người ta đưa quan niệm vô ngã vào trong thuyết thứ bậc nội tại, nhà vật lý sẽ thấy sự triển khai lý thuyết này dễ dàng và phong phú hơn nữa.

Thế nhưng, khi chấp nhận thuyết của Bohm và xa hơn nữa, chủ trương “pháp vô ngã”, tức là xem thế giới hiện tượng chỉ là một sự trình hiện tạm thời, nhà vật lý sẽ công khai từ bỏ quan niệm của một thực tại độc lập nằm ở “bên ngoài” mà đó là một điều hầu như bất khả xâm phạm của vật lý.

Do đó, trở lại với phần đầu của bài này, ta có thể nói, nếu phải lựa chọn, có lẽ nhà vật lý sẽ chịu từ bỏ thuyết tương đối cho rằng không có tín hiệu nào đi nhanh hơn ánh sáng, nhưng không thể từ bỏ một thực tại vật lý độc lập. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học vật lý hiển nhiên sẽ còn kéo dài vô tận, bao lâu loài người còn hiện diện trên hành tinh này. Do đó ta chưa thể nói được, cuối cùng nền vật lý sẽ đi về đâu, phải chăng tất cả sẽ đồng qui về một mối, trong đó mọi ngành sinh vật, vật lý, tâm lý, thiên văn…đều có chung một cơ sở như Bohm tiên đoán.

Cuối cùng, hẳn có độc giả tò mò muốn biết một con người như David Bohm như thế nào, khi ông tin rằng có một thứ bậc nội tại, nó là nguồn lưu xuất của mọi dạng đời sống, vật chất và ý thức.

Theo Basil J.Hiley, cộng tác viên thân cận với ông trong nhiều công trình khoa học, David Bohm tiến khá gần với Thiền trong đời sống hàng ngày. Khi một phóng viên khi hỏi liệu “Bohm đã cảm nhận những “trải nghiệm huyền bí” hay không, Hiley trả lời như sau: “…Bohm xem nó (trải nghiệm huyền bí) là sự tĩnh lặng của tâm để thứ bậc nội tại của tâm cho phép lưu xuất ra ngoài những thứ bậc dàn trải mới mẻ hay cung cấp những gì có tính chất sáng tạo… Ông hay làm những điều đó trong tâm ông… Ông cảm nhận rằng tư tưởng có khả năng nhận thức trực tiếp được thứ bậc nội tại” [13] .

Phải chăng “sự tĩnh lặng của tâm” đó đã giúp cho David Bohm có những phát minh độc đáo mà ta vừa trình bày?

 

Nguyễn Tường Bách
23.06.2005

[1] – A.Einstein, N.Rosen and B.Podolsky, Phys. Rev., vol 47, 1935, p.777

[2] – Realism, chủ trương tin rằng có một thực tại độc lập ở bên ngoài. Hầu như tất cả các nhà vật lý đều duy thực.

[3] – John Bell, “On the Einstein Podolsky Rosen Paradox”, Physics 1 (1964)

[4] – A. Aspect, P.Grangier and R.Roger “Experimental Test of Realistic Local Theories via Bell’s Theorem”, Physical Review Letters 47 (1981)

[5] – Nick Herbert, Quantum Reality

[6] – David Bohm (1917-1992), nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, giáo sư tại Đại học London

[7] – Xem David Bohm, Wholeness and the implicate Order, Routledge & Kegan Paul, 1980

[8] – Đại cương Kinh Lăng Nghiêm, Thích Thiện Hoa biên soạn

[9] – Trích Mã Minh, Đại thừa khởi tín luận, Bản dịch Thích Thiện Hoa

[10] – Trích lời Văn-thù trả lời Phật trong Kinh Lăng Nghiêm:
“Mê vọng hữu hư không
Y không lập thế giới
Tưởng trừng thành quốc độ
Trí giác nãi chúng sinh.

Dịch:

Từ mê muội vọng động mà có hư không
Dựa trên hư không mà thành thế giới
Vọng tưởng lóng lại thành cõi xứ
Cái hiểu biết phân biệt làm chúng sinh”.

[11] – “A-nan, như người đau mắt, vì nghiệp riêng của họ, nên “vọng thấy” cái đèn có vầng đỏ hiện ra.Như dân chúng trong một nước, do ác nghiệp chung tạo của họ nên đồng thấy có những điềm không lành hiện ra. Lên một từng nữa là toàn cả chúng sinh trong mười phương thế giới ngày nay đây, đều do “vô minh vọng động từ vô thỉ” nên đồng vọng thấy có thế giới chúng sinh hiện ra vậy”.
Lời Phật trong Kinh Lăng Nghiêm.

[12] – Xem Kinh Duy Ma Cật, đoạn Ưu-bà-li trả lời Phật, kể về Duy Ma Cật: “…Tất cả các pháp đều xuất hiện một cách ngẫu nhiên (nirapeksa), như một áng mây, như một tia chớp, chúng chẳng dừng chân dù trong một khoảnh khắc…”, bản dịch Chân Nguyên.

[13] – Xem “On Quantum mechanics and the implicate Order”, an Interview with Dr.Basil J.Hiley, University of London 

_http://www.goertzel.org/dynapsyc/1997/interview.html

Có phải thời gian chỉ là một ảo giác?


Liệu quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta

có thể đồng thời tồn tại hay không?

(Photos.com)


“Thời gian là một hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu”
Triết gia Plato.

Chúng ta có xu hướng tin rằng vận mệnh có thể thay đổi và tất cả thời gian một khi đã đi qua đều sẽ trôi vào quên lãng, nhưng liệu sự vận động, sự thay đổi có thể chỉ đơn thuần là một ảo giác không? Một nhà vật lý nổi tiếng người Anh đã giải thích rằng trong một chiều không gian đặc thù, thời gian đơn giản là không tồn tại.

“Nếu bạn cố gắng dùng tay để đỡ lấy thời gian, nó sẽ luôn luôn trôi qua các ngón tay của bạn”, nhà vật lý người Anh Julian Barbour nói trong một cuộc phỏng vấn với Quỹ Edge Foundation. Trong khi câu nói này vẫn còn vang vọng trong phòng phỏng vấn, Barbour và người phóng viên có thể đã không còn bất kỳ mối liên quan nào với chính bản thân họ của một giây trước đó. Barbour cũng là tác giả cuốn “Tận cùng của thời gian: Cuộc cách mạng tiếp theo trong Vật lý học”.

Barbour tin rằng con người không thể nắm giữ được thời gian bởi vì nó không tồn tại. Mặc dù đây không phải là một lý thuyết mới, nhưng nó chưa từng được biết rộng rãi như thuyết tương đối của Einstein hay lý thuyết dây.

Quan niệm về vũ trụ không có thời gian không chỉ vô cùng hấp dẫn đối với một nhóm các nhà khoa học, mà nó còn có thể giúp giải đáp nhiều nghịch lý mà vật lý học hiện đại phải đối mặt trong khi giải thích về vũ trụ.

Chúng ta có xu hướng suy nghĩ và nhận thức rằng thời gian có bản chất tuyến tính, tiến trình của nó chắc chắn là đi từ quá khứ tới tương lai. Đây không chỉ là một nhận thức cá nhân của toàn nhân loại, mà còn là bối cảnh mà ở đó ngành cơ học kinh điển phân tích tất cả các hàm toán học trong phạm vi vũ trụ. Nếu không có nhận thức như thế, những ý tưởng như là quy luật nhân quả và việc chúng ta không thể tồn tại đồng thời ở hai sự kiện, sẽ được xem xét từ một cấp độ hoàn toàn khác.

Ý tưởng về thời gian không liên tục của Barbour đã cố gắng giải thích trong phạm vi lý thuyết rằng một vũ trụ được tạo ra bởi nhiều điểm mà ông gọi chung là “hiện tại”.

Nhưng “những hiện tại” đó sẽ không được hiểu như là những thời điểm thoáng qua, đến sau “quá khứ” và sẽ mất trong “tương lai”; một “hiện tại” chỉ là một trong hàng triệu “hiện tại” đang tồn tại trong khảm đồ vô tận của vũ trụ trong một chiều không gian đặc thù không thể xác định, mỗi “hiện tại” lại có liên quan với những “hiện tại” khác theo một cách tinh vi, nhưng không có cái nào nổi bật hơn những cái xung quanh. Chúng đều tồn tại cùng một thời điểm.

Ý tưởng vừa phức tạp vừa đơn giản này của Barbour hứa hẹn sẽ thay đổi những người chấp nhận lý thuyết cho rằng thời gian chỉ tồn tại từ sau vụ nổ Big Bang.

Ông Barbour nghĩ rằng khái niệm thời gian có thể tương tự như khái niệm số nguyên. Tất cả các con số kiểu số nguyên đều tồn tại đồng thời, và không thể cho rằng số 1 tồn tại trước số 20.

Ngay lúc này, chắc chắn sẽ có độc giả có thể hỏi:

“Có phải ông đang cố thuyết phục tôi rằng động tác mà tôi đang làm hiện giờ với cánh tay của mình là không tồn tại? Nếu những phần “hiện tại” vô cùng nhỏ không có kết nối với nhau, thì bằng cách nào mà tôi nhớ được những ý tưởng đầu tiên trong bài báo này? Làm sao mà tôi nhớ được đồ ăn trưa của mình là gì? Tại sao tôi phải thức dậy và đi làm nếu công việc thuộc về một “tôi” khác không có can hệ gì tới tôi? Nếu tương lai đã có sẵn ở đó rồi, thì tại sao phải phấn đấu?”

Những câu hỏi như vậy bắt nguồn từ nhận thức bị đánh lừa khi cho rằng thời gian là đang trôi đi, từ quá khứ tới tương lai như nước chảy trên một dòng sông. Chúng ta có thể xem vũ trụ không có thời gian như là một cái bánh kem vani dài, ở trong lấp đầy sô-cô-la. Nếu cắt một lát bánh, chúng ta sẽ có được cái mà chúng ta gọi là một “hiện tại”.

Giả sử rằng phần nhân sôcôla ở giữa tượng trưng cho chúng ta, thì chúng ta sẽ tin rằng lát bánh của chúng ta là lát bánh duy nhất tồn tại trong vũ trụ, và rằng những lát bánh đằng trước và đằng sau tồn tại chỉ như những khái niệm. Ý tưởng này nghe có vẻ buồn cười đối với người quan sát cái bánh, khi họ biết rằng tất cả các lát bánh đều đồng thời tồn tại.

Lấy một ví dụ, bạn có thể nói rằng “tôi” không phải là cùng một người với “tôi” mà đã bắt đầu viết câu văn này. Tôi là độc nhất, có thể là độc nhất trong liên hệ rõ ràng với mỗi cái “tôi” đã viết những từ ngữ trước đó trong đoạn văn này. Thế nhưng, thậm chí vô hạn những cái “hiện tại” độc lập với nhau ấy cũng sẽ không bị phân tán. Chúng vẫn là một cấu trúc. Chúng là một khối, một cái bánh hoàn chỉnh không có mảnh vụn nào rời ra.

Và Barbour đưa ra giả thuyết rằng: Trong một không gian vũ trụ, tương lai (tương lai của chúng ta) đã có ở đó, đã được sắp đặt, và mỗi giây trong quá khứ của chúng ta cũng đang hiện hữu, không phải là ký ức mà là một sự hiện hữu sống động. Điều đau đớn nhất đối với nhân loại, như các triết gia phương Đông đã nhận định, là cố gắng phá vỡ cái khuôn cố định này.

Một người khôn ngoan, đi theo tiến trình đã được định trước, sẽ là một khuôn mặt vui vẻ ở giữa cái bánh sô-cô-la vũ trụ và cố gắng sống với cái “hiện tại” độc nhất và cực kỳ bé nhỏ của chúng ta.

Hầu hết chúng ta đều tin rằng ở một mức độ vô thức, một chiếc đồng hồ vũ trụ vĩ đại đang quay tích tắc mỗi giây của không gian khổng lồ được gọi là vũ trụ này. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ trước, Albert Einstein đã giải thích rằng thực tại thời gian có liên quan tới mỗi vật thể trong vũ trụ, và rằng thời gian là một “chủ thể” không tách biệt với không gian. Ngay cả các chuyên gia đồng bộ thời gian trên thế giới cũng biết rằng thế giới này được vận hành bởi một tích tắc được quy định ngẫu nhiên, do đồng hồ hoàn toàn không có khả năng đo được thời gian.

Rõ ràng, lựa chọn duy nhất là hãy chìm vào một “ảo giác tạm thời” của sự vô tận này, biết rằng có một không gian mà ở đó quá khứ của chúng ta vẫn tồn tại và những gì chúng ta làm sẽ không hề thay đổi. Hoặc như chính Einstein nói:

“Những người như chúng ta, những kẻ tin vào vật lý học, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo tưởng cố chấp dai dẳng”.

Tác giả: Leonardo Vintini, Epoch Times.
Dịch giả: chanhkien.org

13 Tháng Bảy , 2016

The Epoch Times được xuất bản trên 35 Quốc gia và 21 ngôn ngữ.
Tìm chúng tôi trên Facebook: _https://www.facebook.com/VietDaiKyNguyen/

Nguồn gốc tư tưởng Trung Quán Luận

Long Thọ (Nagarjuna) sinh ra vào khoảng thế kỷ II – III TL tại Ấn Độ, khi xã hội có những biến động về kinh tế, chính trị, tư tưởng…Ngài đã sáng tác Trung quán Luận là một bộ luận quan trọng nhất, với triết lý Tính Không, với biện chứng pháp phủ định độc nhất vô nhị. Nguồn gốc tư tưởng Đại thừa Phật giáo đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Tư tưởng Đại thừa ban đầu bắt nguồn từ phía Nam Ấn Độ, nơi căn cứ của Đại Chúng Bộ. Cũng ở đây đã nảy nở ra tư tưởng “Bát Nhã”, cội nguồn của tư tưởng “Không”.

Long Thọ Bồ Tát được gọi là Thích Ca Mâu Ni thứ 2

Nếu như Mã Minh Bồ Tát là người khởi sướng ra tư tưởng Đại thừa thì Long Thọ đã có công hệ thống, chú thích, luận giải và hệ thống những kinh điển đã có sẵn trên tinh thần Đại thừa, từ đó khẳng định tư tưởng Đại thừa đã có sẵn trong kinh điển gốc Nguyên thủy như: Đại Phẩm Bát Nhã gồm 25000 bài tụng tức Phóng Quang Bát Nhã;Tiểu Phẩm Bát Nhã gồm 8000 bài tụng, tức là Hành Đạo Bát Nhã, để hiểu biết được chư pháp đều là không; Duy Ma Kinh cũng chủ trương tư tưởng “không”(1). Điểm chung trong kinh điển là tư tưởng về bản thể Không, mà Long Thọ đã nắm bắt, thể hiện trong Trung Quán Luận. Có thể nói nguồn gốc tư tưởng của Trung Quán Luận ở ngay trong hệ thống kinh điển vốn có của Phật giáo Nguyên thủy. Đặc biệt là bộ Kinh tạng Bát Nhã – một bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, mà Long Thọ đã chú thích, luận giải tư tưởng “không” trong đó một cách hệ thống trên tinh thần mới mẻ của Đại thừa, và cũng như sau này ông sáng tác thành công Trung Quán Luận bất hủ.

Tóm lại, về mặt tư tưởng, Long Thọ tiếp thu tư tưởng Đại thừa của các nhà tư tưởng Phật giáo đi trước, và với trí tuệ xuất sắc “biện tài nghị biện vô ngại”, và ông được coi là một trong những triết gia đầu tiên trong cuộc cách tân lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

1. Kinh Bát Nhã – một bộ kinh tối cổ của Phật giáo Đại thừa

Về niên đại của văn bản, Kinh Bát Nhã là một bộ kinh tập hợp lâu dài nhất, qua nhiều thế kỷ, từ thế kỷ I TCN tới thế kỷ III SCN, và còn tiếp tục về sau. Đây chính là bộ kinh Đại thừa đồ sộ xuất hiện sớm nhất.

Tên bộ kinh lớn đầy đủ là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Skrt: Maha- Prajna paramita). Tiếng Phạn Prajna chuyển âm Hán-Việt là Bát Nhã, nghĩa là trítuệ, thông thái rốt ráo, hoàn hảo. Kinh Bát Nhã nhờ phát hiện của Long Thọ đã trở thành kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Song trước đó nó chỉ được coi là văn học loại văn nghệ. Kinh Bát Nhã từ đó được coi là giáo pháp thông cả ba thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) do chính đức Phật tổ thuyết giảng. Cũng theo các Phật truyền thìKinh Bát Nhã được đức Phật giảng tại 16 hội khác nhau như: giảng tại núi Linh Thứu, thành Vương Xá, Phật, tại Lâm Viên Kỳ Đà của Cấp Cô Độc, thuộc Thất La Phiệt Thành, tại Ma Ni Bảo điện, cung Tha Hóa Tự Tại, cuối cùng Phật giảng tại hồ Bạch Lộ thuộc tịnh xã Trúc Lâm Phật giảng hội 16.Toàn bộ truyền thuyết này nhằm chứng minh rằng KinhBát Nhã là bộ kinh nguyên thủy nhất của giáo lý Đại thừa, vốn có từ thời đức Phật tổ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu bộ kinh này chưa được chú trọng, sau tới khoảng 700 năm sau Phật diệt, khoảng cuối thế kỷ thứ II-III SCN, Long Thọ là người đầu tiên sưu tập và hệ thống lại KinhBát Nhã.

Nội dung tư tưởng của kinh Bát Nhã từ nguyên thủy đã xác định rõ mục đích giải thoát, nhằm đạt tới Niết Bàn là bằng đạo đức, trí tuệ và tu hành thiền định mà đức Phật tổ đã vạch rõ trong Tứ Diệu Đế. Kimura Taiken có nhận định rằng: “Bát nhã là bộ kinh tối cổ và căn bản nhất trong các kinh Đại thừa. Tư tưởng “không” trong kinh Bát nhã là kết luận của Duyên – sinh – quan trong Nguyên thuỷ Phật giáo, là một tổng hợp của các tư tưởng “không” đối với bộ phái Phật giáo mà đã đồng thời phát đạt. Nhân – sinh – quan, thế – giới – quan trong tất cả các kinh Đại thừa đều được xây dựng trên nền tảng Bát Nhã”(2). Do vậy, tư tưởng Bát nhã chính là “sản phẩm đầu tiên của Đại thừa, dù nói theo thể động hay thể tĩnh, nó đã trở thành cơ sở của tất cả tư tưởng Đại thừa” ([2]). Hoà thượng Thích Trí Thủ đã khẳng định trong chuyên khảo Bát Nhã Tâm Kinh rằng vai trò, vị trí đặc biệt của nó đối với toàn bộ tư tưởng Đại thừa: “…nói đến Phật giáo Đại thừa là nói đến Bát nhã, vì không có Bát nhã thì không thể có Phật giáo Đại thừa, Bát nhã là đầu mối, là mạch nguồn để từ đó các trào lưu Đại thừa khởi dậy”(3).

Về niên đại, hiện nay còn có ý kiến chưa thống nhất về niên đại xuất hiện các tập Bát nhã này. Tuy nhiên, có quan niệm khác cho rằng, những bản kinh nào có dung lượng lớn nhất thì là những kinh nguyên thuỷ còn kinh ngắn là phần lược bớt của những người về sau này(4).

Qua quá trình nghiên cứu, họ cho rằng, bản kinh Bát Nhã xuất hiện sớm nhất chính làBát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasahasrika prajnaparamita) hay còn gọi là Tiểu phẩm Bát Nhã. Bản kinh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ I TCN và “Bát nhã-ba-la-mật-đanày được bắt đầu từ phương Nam, rồi truyền sang phương Tây, lại từ phương Tây truyền sang phương Bắc”(5).

Về tính chính truyền của văn bản, Kinh tạng Bát nhã được tập thành tương đối muộn so với kinh tạng nguyên thuỷ, khoảng 400 năm sau Phật nhập Niết bàn. Tuy nhiên, kinh Bát Nhã vẫn đảm bảo được nội dung giáo lý căn bản của Phật dạy như: giáo lý Duyên khởi, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo, Tứ niệm xứ, Ngũ uẩn… Bởi thế, các nhà Đại thừa sau này đều coi kinhTạng Bát Nhã là những kinh văn chính truyền của Phật và được các đệ tử, luận sư triển khai rộng rãi theo nhu cầu phát triển của Phật giáo mỗi giai đoạn cụ thể([4])

Theo Đại Trí Độ Luận (Maha prajnaparamita sastra), là một tác phẩm luận giải quan trọng về tư tưởng Bát nhã, khi nêu lên nghi vấn: “vì nguyên nhân gì mà Phật thuyết kinhĐại Bát Nhã”. Đại sư Long Thọ đưa ra nhiều lý do để giải quyết vấn đề này: “vì muốn giảng đầy đủ các hạnh Bồ tát, vì muốn phá vỡ những quan niệm cực đoan trong tâm thức đệ tử và đưa họ vào trung đạo nên Phật thuyết Kinh Đại Bát Nhã-Ba-La-mật(6). Hay vì “… muốn dùng cách khác để nói về Tứ niệm xứ, về Ngũ uẩn, nên Phật thuyếtKinh Đại bát nhã Ba-la-mật-đa”([6]). Thế nên, ngay từ thế kỷ II SCN luận sư Long Thọ xác nhận kinh tạng Bát nhã chính là “dùng kiểu khác” để lý giải về giáo lý nguyên thuỷ. Đó là lý do mà các nhà Đại thừa sau này đều thống nhất khẳng định tính chính truyền của Kinh tạng Bát nhã cũng như một số kinh điển khác của Đại thừa.

Tóm lại, trong các kinh điển Đại thừa, thì kinh Bát Nhã được hình thành sớm nhất và làm nền tảng tư tưởng cho sự phát triển toàn bộ các nhánh phái Đại thừa về sau.

2. Cốt lõi tư tưởng của Bát nhã được Long Thọ phát triển trong Trung Quán Luận

Hoà thượng Thích Thiện Hoa có nhận xét rằng: “Phật nói kinh Đại Bát Nhã, tại 4 chỗ, 16 hội, chép đến 600 quyểnmới hết (Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm). Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, gọi tắt là Kinh Kim Cương là tóm tắt cô đọng nhất toàn bộ kinh Đại tạng Bát Nhã. Rút gọn lại hơn trong một bài kinh là “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, gọi tắt là Tâm Kinh, gồm 260 chữ. Hơn nữa, Phật còn dạy: “Ta không nói một chữ”(7).

Hình ảnh Long Thọ Bồ Tát thế kỷ II- III SCN

Tư tưởng cốt lõi của kinh Bát Nhã là bàn về bản thể “Không của vạn pháp”. Hiểu được chữ “Không” này là hiểu được toàn bộ hệ thống KinhBát Nhã. Trọng tâm củaKinh Bát Nhã Ba La Mật là dùng trí Bát Nhã, phá trừ rốt ráo (Ba la mật) các vô minh vọng chấp: ngã, pháp hay bốn tướng” (Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả), để vượt ngoài mọi đối đãi nhị nguyên.

Dựa trên tư tưởng Tính không này trong kinh Bát nhã mà Long Thọ đã triển khai phát triển thành tư tưởng “Trung Đạo” xuyên suốt trong tác phẩm Trung Quán Luận. Mục đích của Trung Quán Luận là nhằm phá hai thứ chấp căn bản của Phật giáo Tiểu thừa, và khả năng chuyển biến cái giá trị căn bản của nhân sinh, và đưa nhân sinh tới chỗ vượt hẳn sự đối lập nhị phân về khổ-vui, giầu-nghèo, mê-ngộ, hay thiện-ác(8).

Tư tưởng “chân không diệu hữu” của Kinh Bát Nhã chính là cốt lõi cơ bản của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, mà Trung Quán Luận của Long Thọ đã kế thừa phát triển.

3. Giới thiệu chung về Trung Quán Luận

Dần theo thời gian 300, 400 năm sau Phật nhập Niết Bàn, các bộ phái cứ tiếp tục ra đời và con số đã lên đến 20. Mỗi một học phái chủ trương theo một đường lối nhận thức khác nhau. Vào khoảng thế kỷ thứ I, II SCN, các quan niệm về Đại thừa có từ thời kỳ Bộ phái dần định hình và Phật giáo Đại thừa xuất hiện như một khuynh hướng tư tưởng tự do của Phật giáo lúc đó. Song, những tư tưởng, nhận thức sai lầm, xuyên tạc lời và ý Phật cũng không ít. Đứng trước tình cảnh hỗn loạn của tư tưởng giới Phật học Ấn Độ đương thời, Bồ tát Long Thọ bắt đầu trước tác bộTrung Quán luận bằng phương pháp phủ định biện chứng nhằm thống nhất giáo lý Phật giáo trên tư tưởng Đại thừa trước các lý luận bảo thủ cố chấp và ngoại đạo tà giáo. Đóng góp của Trung Quán Luận là đáp ứng đòi hỏi về tư tưởng triết học của Phật giáo trong một thời kỳ phát triển mới về chất.

3.1. Giới thiệu về văn bản, dịch bản của Trung Quán Luận

Tác phẩm gốc của bộ luận này nguyên văn bằng tiếng Sanskrit được soạn t ại Ấn Độ. Cũng giống tình trạng các kinh điển, nhiều luận điển có liên quan đến Phật giáo Đại Thừa hầu hết đã bị thất lạc do quá trình tranh chấp giữa các đạo với Phật giáo, nhằm hạ gục nhau về mặt tư tưởng giáo lý, cách sinh hoạt tu tập hằng ngày… Nhưng những bản dịch sang Trung ngữ, Nhật ngữ và Tây Tạng ngữ thì hiện vẫn còn được lưu giữ khá tốt đã góp phần bảo tồn một cách hiệu quả nhiều kinh điển của Phật giáo Ấn Độ.

Trung Quán Luận nó được coi là nền tảng của trường phái Trung Quán ở Ấn Độ, đến thế kỷ V đã được truyền sang Trung Quốc và được dịch sang Hán ngữ để truyền bá và phổ cập, rồi được coi là một trong ba kinh điển nền tảng của phái Tam Luận Tông ở Trung Quốc(9).

Chính vì để thực hành quán tưởng nên mặc dù nhan đề của ngài Long Thọ là Trung Luận hay Trung Đạo Luận, nhưng về sau, các đại sư Trung Quốc (nhất là Tam Luận tông) lại thêm vào chữ Quán thành Trung Quán Luận. Điều này cũng hợp lý vì mỗi phẩm theo bản dịch của Cưu Ma La Thập đều bắt đầu bằng chữ Quán hay Phá. (10).

Những bản dịch về Trung Quán Luận thì rất nhiều, mỗi thời có những dịch giả khác nhau: Bản dịch Hán văn Trung Quán Luận của Cưu Ma La Thập đến này vẫn được giới Phật học coi là văn bản chuẩn mẫu mực nhất. Bản dịch này liên tục được dịch tiếp sang các thứ tiếng khác trong quá trình tryền bá và phát triển Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền Tông Trung Quốc nói riêng. Bên cạnh bản dịch, còn có các bản chú giải khác như: Ngài Vô Trước (Asvagosha) chú giải và Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (Gautama- Prajnaruci) dịch với tựa đề “Thuận Trung Luận Nhập Đại Bát Nhã Ba La Mật Sơ Thẩm Pháp Môn” gồm 2 quyển; Cưu Ma La Thập (đời Hậu/ Diêu Tần) dịch sang Hán, được coi là văn bản mẫu mực nhất đến nay; Trung Quán Thích Luận do An Tuệ chú giải, Duy Tịch đời Tống dịch ra Hán văn, lấy tựa là Đại thừa Trung Quán Thích Luận, gồm có 9 quyển; Bát Nhã Đăng Luận Thích của Thanh Biện chú giải, Ba La Phả Mật Đa La dịch ra Hán văn với lời bạt có tên Bát Nhã Đăng Luận Thích, gồm 15 quyển.

Hiện nay có một số bản dịch Trung Quán Luận sang Tiếng Việt như là: Bản dịch Việt ngữ Trung Quán Luận của HT Thích Tâm Thiện, từ “bản Hán dịch của Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập”, có dẫn chứng nguyên văn bản gốc bằng tiếng Phạn của tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ tát, có kèm theo bản dịch của Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, và do Thanh Biện chú giải. Bản Dịch và giải của Chánh Tấn Tuệ về Trung Quán Luận vào năm 2001, Nxb Tôn Giáo. Bản dịch và giảng của Thích Thanh Từ về Trung Quán Luậnvào năm 2008, Nxb Tôn giáo. Ngoài ra còn có nhiều bản dịch và chú giải khác của nhiều dịch giả và Phật học ở phương Đông cũng như phương Tây([9]).

Nhìn chung trong số bản dịch trên, bản dịch đã lấy được các ý cho mọi người dễ hiểu, bất chấp là dài hay ngắn, mục đích là câu cú đời thường dễ hiểu. Ví dụ như theo kệ chữ Hán là 4 câu năm chữ, nhưng khi dịch sang nghĩa tiếng Việt thì lại nhiều chữ hơn: “Bất sinh diệc bất diệt” dịch là: “Tất cả pháp vốn không sinh cũng không diệt”(11).

3.2. Khái lược nội dung và kết cấu của Trung Quán Luận

– Về nội dung Trung Quán Luận , mỗi chương đều có những nội dung riêng biệt với mục đích chính là lý giải cho được tư tưởng chính của Phật về các pháp đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, thực tướng của chúng là Tính Không; Mục đích là nhằm để “phá” sai lầm của cả Tiểu thừa cũng như của Đại thừa, trong tiến trình dựng xây kiến giải mới, cũng như “phá” chấp để phục hưng chính pháp. 27 chương đó có thể chia thành nhiều cách khác nhau cũng là biện pháp để nghiên cứu thấu đáo hơn tư tưởng triết học của Long Thọ. Song nếu nhìn khái quát toàn bộ, Trung Quán Luận là một bộ luận có tính khái quát cao, trình bày một cách hệ thống khúc chiết các vấn đề cơ bản của Phật giáo Đại thừa: Nguyên lý Tính Không (Sunyata), phương pháp Trung đạo, Duyên khởi cũng chỉ là một trong “chân như diệu hữu” hay “trung đạo”.

Cũng như nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu cho rằng: “Bồ Tát Long Thọ dựa trên tư tưởng Kinh Kim cương Bát Nhã sáng tác bộ Trung Quán Luận, đưa ra học thuyết Chân Không (Sunya), một tư tưởng luận lý mới mẻ, chặt chẽ, tinh vi, làm xáo động học lý truyền thống tôn giáo Ấn Độ thời bất giờ. Các triết gia, học giả phương Tây ngày nay cũng khâm phục, tán dương phương pháp lý luận của Bồ Tát Nagajuna có một không hai”(12).

Tuy vậy, điểm gặp nhau của kết quả nghiên cứu nghiêm túc Trung Quán Luậnlà đều lĩnh hội được tư tưởng “nhất thiết pháp không” của Long Thọ thể hiện nhất quán qua tất cả các chương, các quyển([11]).

Về kết cấu Trung Quán Luậ: Theo Thích Tâm Thiện đã chia kết cấu Trung Quán Luận gồm có 4 quyển, thành 27 phẩm, với 446 bài tụng. Mỗi bài tụng gồm 4 câu, mỗi câu có năm chữ, tổng cộng gồm 1784 câu, tương đương 8920 chữ([11]). Cách chia này khá chi tiết, rõ ràng và phù hợp với nhu cầu nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và tư tưởng triết học của đề tài Luận văn này. Song để chính xác hơn, có thể so sánh với một vài cách chia kết cấu khác.

Nếu như căn cứ vào nguyên bản Hán văn về Trung Luận do Diêu Tần Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch thì Trung Luận được chia làm bốn quyển: Quyển một bao gồm 27 phẩm: từ phẩm 1. Quán nhân duyên…cho tới phẩm 27. Quán tà kiến. Nguyên bản dịch Hán văn của La Thập có kết cấu gần với nguyên bản Sanskrit cũng là một tư liệu để chung ta khảo cứu ý nghĩa của Long Thọ về mặt tư tưởng trong Trung Quán Luận.

Ngoài ra còn các kết cấu khác, chẳng hạn, Chánh Tấn Tuệ cũng cho rằng kết cấu nội dung của Trung Quán Luận có thể chia thành 27 phẩm, trong mỗi phẩm đó gồm các bài tụng như phẩm 1. gồm 16 bài tụng; 2. gồm 25 bài tụng;…; 27. gồm 31 bài tụng. Tổng cộng gồm 426 bài tụng, mỗi bài tụng có 4 câu, mỗi câu gồm 5 chữ, tổng cộng 8.680 chữ. Cách phân chia này giúp cho người học, nghiên cứu, tu tập dễ tránh được nhầm lẫn, song cách chia theo phẩm là chương vậy không đi sâu vào khai thác kết cấu tư tưởng trong đó(13).

Theo Hoàng Thị Thơ, kết cấu 27 chương của Trung Quán Luận nếu chia kết cấu theo tư tưởng triết học thì có thể chia thành 2 phần chính: 25 chương đầu là phá chấp của Đại thừa, còn 2 chương cuối là phá mê chấp của Tiểu thừa(14).

Đoàn Trung Còn cho biết thêm rằng, “Bộ Trung Luận kêu trọn chữ là Trung Quán Luận, hiệp lại bốn quyển, minh ra cái lý chơn thiệt của nền Trung đạo Đại thừa. Do ngài Long Thọ Bồ tát soạn hồi thế kỷ thứ hai, ngài Thanh Mục Bồ tát thích và ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn. Tất cả 500 câu kệ (nhưng thiệt ra chỉ có 496 câu), 27 phẩm, 25 phẩm đầu phá sự mê chấp của Đại thừa… Còn 2 phẩm cuối phá sự mê chấp của Tiểu thừa…”. Ban đầu bộ luận này chỉ có 596 bài kệ sau này thành 500 bài kệ, có lẽ La Thập Dịch xong rồi thêm bốn bài kệ cho đủ 500 bài kệ, thuận cho việc dễ nhớ dễ nghiên cứu, hiểu Trung Quán Luậnhơn(15). Tuy nhiên xét trên bình diện khách quan của các phẩm thì chúng ta thấy các cách chia kết cấu trên đều có lý, cũng có thể làm cơ sở để khảo cứu sau này về Trung Quán Luận.

Tóm lại, bàn về nguồn gốc tư tưởng của Trung Quán Luận, chúng ta đi sâu phân tích lịch sử Kinh Bát Nhã – một bộ kinh tối cổ của Phật giáo Đại thừa, và làm rõ cốt lõi tư tưởng được Long Thọ phát triển từ Kinh Bát Nhã là tư tưởng Tính Không. Long Thọ đã tiếp thu tư tưởng Không của Bát Nhã để xây dựng thành công tư tưởng Trung đạo của mình, làm cơ sở để hệ thống hoá toàn bộ kinh điển Đại thừa và cổ xuý cho Phật giáo Đại thừa hưng thịnh và lan toả cho tới hôm nay.

Qua Trung Quán Luận của Long Thọ giới thiệu rõ, sự ra đời , văn bản và bản dịch, kết cấu nội dung, từ góc độ triết học tư tưởng Trung đạo, kết cấu củaTrung Quán Luận có nhiều cách chia bố cục, song cách phân chia kết cấu có khác nhau, song đều nhằm làm sáng tỏ, dễ hiểu nội dung và tư tưởng Không, hay Trung đạo mà Long Thọ muốn gửi gắm trong Trung Quán Luận.

***

(1) Thích Thanh Kiểm, Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Quê Hương Tái Bản Lần Thứ Nhất, 1971, tr.231-235.

([2]) Kimura Taiken, Nguyên Thuỷ Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1998, tr.63.

(3) Thích Trí Thủ dịch, Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phổ Hiền Tùng Thư, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.1.

([4]) Đoàn Văn An, “Tư tưởng triết học trong Kinh Kim Cương” Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr.39-40.

(5) Kimura Taiken (1998), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1998, tr.57.

([6]) Thích Thiện Siêu, Luận Thành Duy Thức. Nxb. Phật Học Viện Quốc tế,n 1997, tr.21.

(7) Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 2008, tr.557.

(8) Thích Hạnh Bình, Triết Học Có Và Không, Nxb. Phương Đông. Hà Nội, 2007.

 

([9]) Hoàng Thị Thơ, Lịch Sử Tư Tưởng Thiền Từ VêĐa Ấn Độ Tới Thiền Tông Trung Quốc, Nxb.Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 2005, tr.150.

(10) David J, Kalupahana dịch và chú dịch, Mulamadhyamakakatika Of Nagajuna, Delhi, 1996.

([11]) Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng Và Triết Học Tánh Không, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.130.

(12) Thích Quảng Liên dịch và giải, Trung Quán Luận, Nxb Tôn Giáo, 2007, tr.2-3.

(13) Chánh Tấn Tuệ dịch và giải, Trung Quán Luận, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr.11.

(14) Hoàng Thị Thơ, “Triết học Ấn Độ Qua Một Số Tác Phẩm Tiêu Biểu” Dành Cho Cao Học Chuyên Triết Tại Học Viện Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, (Niên học 2010- 2012), tr.22.

(15) Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, Nxb. Tổng Hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr.1438.

http://www.vinhnghiemvn.com

40 Năm Hải Ngoại – Một Nén Hương Một Bông Hồng Cho Những Nhà Văn – Nhà Thơ Đã Khuất Núi


(Chân dung những Nhà Văn – Nhà Thơ đã khuất núi)

Thời gian 40 năm chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử, nhưng tuy vậy cũng đủ để cho con người hoàn tất một sự nghiệp hay từ giã cõi đời.

Trong suốt 40 năm qua, kể từ khi miền Nam sụp đổ trước sự xâm lấn của CS miền Bắc, nhiều văn nghệ sĩ vốn đã tạo dựng nên một nền Văn Học rực rỡ của miền Nam cũng đã vượt thoát ra đi để mưu tìm một cuộc đời tự do đáng sống. Trên phần đất tự do thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh những nỗ lực để hội nhập vào xã hội mới, các nhà văn, nhà thơ gốc Việt vẫn tiếp tục miệt mài sáng tạo, duy trì và phát triển Văn Học Miền Nam trên đất tạm dung để có thể coi là đã có một nền văn chương VN hải ngoại. Và cũng ròng rã trong suốt 40 năm tận tụy với ngòi bút ấy, nhiều người đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại phía sau những công trình có thể chưa hoàn tất nhưng cũng đã gieo nhiều nỗi ngậm ngùi, xót xa trong lòng của nhiều người ở lại

Nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm hội nhập, mặc dù không thể thu góp đầy đủ danh xưng của tất cả những nhà văn, nhà thơ đã khuất bóng, phần liệt kê dưới đây xin coi như một nén nhang, một bông hồng cho tất cả những nhà văn, nhà thơ đã mất ở hải ngoại mà trong suốt 40 năm qua đã góp phần cung ứng cho đời những tác phẩm quý giá để các thế hệ sau khi nhìn lại không thể không biết tới.
Danh sách dưới đây xếp theo thứ tự thời gian mà các vị đã khuất núi.


THANH NAM
(1931-1985)


Nhà văn/nhà thơ Thanh Nam tên Trần Đại Việt, người làng Mỹ Trọng tỉnh Nam Định, thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước.

Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác, và viết một số Sách dành cho tuổi trẻ cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh.

Năm 1953 ông vào Sài Gòn, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả, phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ Gia Đình, Gỡ Rối Tơ Lòng … và còn ký nhiều bút hiệu như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Bà Bách Lệ, Tôn nữ Đài Trang, Thợ Cạo. Năm 1960, ông hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật, cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tạm cư tại tiểu bang New Jersey rồi năm 1976 định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Ở đây ông cộng tác với tờ Đất Mới và một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ . Ông mất vào ngày 2 tháng 6 năm 1985 do chứng ung thư thanh quản.

Tác phẩm đã xuất bản :

Hồng Ngọc (1957)
Người Nữ Danh ca (1957)
Buồn Ga Nhỏ (1962)
Giấc Ngủ Cô Đơn (1963)
Còn Một Đêm Nay (1963)
Cho Mượn Cuộc Đời, Bầy Ngựa Hoang (1965)
Giòng Lệ Thơ Ngây (1965)
Những Phố Không Đèn (1965)
Mấy Mùa Thương Đau (1968)
Gã Kéo Màn, ….
Đất Khách (1983)

 

VŨ KHẮC KHOAN
(1917-1986)


Ông sinh năm 1917 tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y Khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh Nông, tốt nghiệp kỹ sư sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.

Ông là tác giả những vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948), Thành Cát Tư Hãn, và Giao thừa (1949). Hai vở Giao thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Bài vở của ông cũng được đăng trên báo Phổ thông và Quan điểm.

Sau năm 1954 ông di cư vào Nam viết cho các báo Tự do, Quan điểm rồi làm chủ nhiệm nguyệt san Vấn đề. Ông là giám đốc kịch nghệ của Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn.
Ông tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota và thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại đây. Ông mất ngày 12 tháng Chín, 1986.

ĐÀO ĐĂNG VỸ
(1908-1997)


Đào Đăng Vỹ là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học rất nổi tiếng ở Huế từ những năm cuối của thập niên 40. Ông cũng là dịch giả có tiếng của Việt Nam. Riêng trong lãnh vực từ điển, ông đã biên soạn những cuốn như Pháp Việt Đại Từ điển (1949-52, 1963, 1970), Việt Pháp Đại Từ điển ( 1956, 1963, 1970), Pháp Việt Từ điển Phổ thông (1954-1956, 1960, 1963, 1965, 1970), Pháp Việt Tiểu Từ điển (1961, 1963, 1966, 1970), Việt Pháp Tiểu Từ điển (1962, 1964, 1966, 1970), Việt Nam Bách Khoa Từ điển (Cuốn I cuốn II, III…; 1959-1963).

Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, và mất ngày 7/4/1987 tại California – Mỹ.

 

BÌNH NGUYÊN LỘC
(1914-1987)


Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút hiệu khác như Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh…]

Ông đã sáng tác khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn quyển sách nghiên cứu, trong đó quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam chỉ được in phần đầu, phần còn lại độ 800 trang viết tay coi như bị thất lạc.

Ông cũng từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Đồng Nai, Ca dao… Ông còn có công sưu tầm được hàng nghìn câu ca dao kèm theo chú thích về đặc điểm của mỗi câu.

Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi

HOÀI ĐIỆP TỬ
(1941-1987)


Tên thật Phạm Văn Tập. Sinh năm 1941 – Tân Tỵ – tại Bạc Liêu.

Ông dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Điệp Yên Hà, Lê Thăng, Kép Độc, Kiều Linh Khanh. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 14 tuổi, chính thức viết văn vào năm 1958 với truyện dài đầu tiên “Mớ tóc gái Phù Sa” viết trên nhật báo Chuông Mai của ông Huỳnh Hoài Lạc.

Lần lượt cộng tác với các nhật báo, tuần san như Chuông Mai của Huỳnh Hoài Lạc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Dân Đen của Nguyễn Duy Hinh, Tiếng Dân, Tia Sáng của Nguyễn Trung Thành, Tiếng Nói Dân Tộc của Lý Quý Chung, Độc Lập của Hoàng Châu, Tin Sáng của Ngô Công Đức, Thách Đố của Đặng Văn Bé v.v…

– Năm 1966 ông sáng lập Nhà xuất bản Sông Hậu cùng với các thân hữu như Trương Đạm Thủy, Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Phương Triều, Tâm Đạm Dương Trữ La.

– Khi sang Mỹ từ năm 1981, nhà văn Hoài Điệp Tử làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Mai (Nam California) từ năm 1982 đến 1987.

Ông bị sát hại tại tòa soạn nằm trên đường Westminster (Nam California) lúc 2 giờ 15 sáng chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 1987. Vụ án mạng này đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Các tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam : – Vũng Lầy (1964) – Trái Cấm – Tuổi Tình Yêu, nhà xuất bản Sống Mới phát hành, 1965. – 16 Phiên Buồn (1966) – Lửa Đạn Về Thành – Tình Biển (1968) – Đỉnh Núi Sương Mù – Còn Xanh Kỷ Niệm (1969) – Bến Đục – Giọt Máu Cho Cánh Đồng Mùa Hạ (1970) – Tặng Phẩm Của Đêm – Bụi Thành Phố (1971) – Mặt Trời Mọc Cho Ai – Hành Lang Đen (1972) – Cao Ốc Số 8 (1973) – Sóng Hoang, nhà xuất bản Sông Hậu phát hành (1974)…. và một số thơ cùng truyện ngắn.

Tác phẩm đã xuất bản tại Mỹ : – Truyện dài: Trên Đầu Sóng, nhà xuất bản Hải Ngoại phát hành, 1982.

 

NGUYỄN TẤT NHIÊN
(1952-1992)


Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30-5-1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà..

Ông là một thi sĩ bẩm sinh, tài hoa, suốt đời cuồng nhiệt, đam mê với thơ, đặc biệt là thơ tình. Biết làm thơ từ rất sớm: Mới 14 tuổi (1966,) đã có tập thơ đầu tay“Nàng Thơ Trong Mắt” và hai năm sau, 16 tuổi (1968,) viết tiếp tập thơ“Dấu Mưa Qua Đất” (cả hai tập thơ nầy đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi). Năm 1970, ông tự ấn hành tập thơ“Thiên Tai,” lần đầu tiên lấy bút danh Nguyễn Tất Nhiên. Năm 1978, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập“Thơ Nguyễn Tất Nhiên”gồm những bài thơ sáng tác từ 1970 – 1980. Sau đó, ông sang Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, tiếp tục sáng tác thơ, nhạc, cho ấn hành các tập thơ“Chuông Mơ” (NXB Văn Nghệ,1987,)“Tâm Dung”(NXB Người Việt, 1989,)“Minh Khúc” (1990, đã hoàn tất bản thảo, phổ biến hạn chế.)

Ông mất ngày 3-8-1992 tại California.

DUYÊN ANH
(1935-1997)


Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tỉnh Thái Bình.

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.

Năm 1960, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt.

Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.

Năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ôngvượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.

Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

NGUYÊN SA
(1932-1998)


Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950 với những tác phẩm như“Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi mười ba”, “Tháng sáu trời mưa”, v.v.

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại (Mặc Lâm –RFA).

Ông đi Pháp du học vào năm 1949. Năm 1953, ông đậu tú tài ở Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thuý Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước. Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

MAI THẢO
(1927-1998)


Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, ông sinh ngày 8/6/1927 tại huyện Hải-hậu, tỉnh Nam-định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam-định rồi Hà-nội (học trường Đỗ Hữu Vị, sau là Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng-yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà-nội tản cư về quê chợ Cồn, từ đó Mai Thảo rời nhà vào Thanh-hóa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên-khu-ba, Liên-khu-tư đến chiến khu Việt-bắc. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến vào thành, đi buôn. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương báo Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông nom báo Văn. Tham gia chương trình văn học nghệ thuật của các đài phát thanh tại Sài-gòn từ 1960 đến 1975. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển. và định cư ở Hoa-kỳ. Ít lâu sau ông cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ông mất tại Santa Ana, California ngày 10/1/1998.

Tác phẩm Mai Thảo đã xuất bản:

Đoản thiên
Đêm giã từ Hà Nội (Người Việt, 1955)
Tháng giêng cỏ non (1956)
Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963)
Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965)
Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966)
Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967)
Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968)
Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969)
Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969)

Tùy bút (1970)
Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà Nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970)
Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987)
Một đêm thứ bảy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988)
Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989)
Chân bài thứ năm (Nam Á,Paris, 1990)
Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990)…

Truyện dài:
Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963)
Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác)
Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964)
Viên đạn đồng chữ nổi (Văn, 1966)
Đêm kỳ diệu (?)
Cùng đi một đường (1967)
Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968)
Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968)
Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969)
Lối đi dưới lá (1969)
Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969)
Thời thượng (Côi Sơn, 1970),
Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970),
Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970),
Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970)
Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971)
Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971)
Một ngày của Nhã (1971)
Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971)
Sóng ngầm (Hoa biển, 1971)
Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972)
Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn Đình Vượng, 1972)
Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972)
Gần mười bảy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972)
Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972)
Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973)
Tình yêu màu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973)
Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973)
Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973)
Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973)
Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974)
Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974)
Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)…

Thơ:
Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989)

LÊ ĐÌNH ĐIỂU
(1939-1999)


Nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Lê Đình Điểu, người bạn lớn của nhiều sinh hoạt văn hóa, giáo dục, truyền thông Việt Nam từ hơn 40 năm qua.

Ông sinh năm 1939 tại Ngọc Hà, ngoại thành Hà Nội. Ông làm thơ, viết văn từ thời niên thiếu với bút hiệu Y Dịch. Năm 1967, ông tốt nghiệp khóa Báo Chí học tại Viện Báo Chí Quốc Tế ở Kuala Lumpur, Mã Lai. Sau đó, ông làm đặc phái viên Việt Tấn Xã, và là Phụ Tá Học Vụ Ban Báo Chí học ở Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, Đà Lạt. Năm 1972, ông đứng đầu ngành Thông Tin Quốc Nội trong phủ Tổng Ủy Dân Vận, sau đổi thành Bộ Dân Vận-Chiêu Hồi. Năm 1974 ông làm ở Phòng Báo Chí của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.

Từ 1975 đến 1981 ông bị đi tù cải tạo. Năm 1985 gia đình ông qua Mỹ, và ông làm chủ bút nhật báo Người Việt, đến năm 1988 thì trở thành Tổng Giám Đốc Công Ty Người Việt. Năm 1991 ông là chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21. Ông cũng là chủ tịch trong nhiều năm Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Năm 1995, ông làm chủ tịch đài phát thanh VNCR mà ông là một sáng lập viên.

Ông đã dịch các cuốn sách “Kỹ Thuật Tòa Soạn”, THN xuất bản ở Sài Gòn năm 1969, và “Ký Giả Chuyên Nghiệp”, Hiện Đại xuất bản năm 1974, Người Việt tái bản năm 1977. Gặp chứng bệnh nan y, ông đã từ trần ngày 24-5-1999.

NGHIÊM XUÂN HỒNG
(1920-2000)


Cư sĩ Tịnh Liên NGHIÊM XUÂN HỒNG sinh năm 1920 tại Hà Đông, Bắc Việt.

Năm 1953, hành nghề Luật Sư.

Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam.

Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh.

Sáng lập viên nhóm Quan Điểm, Saigon.

Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ.

Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương.

Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, California.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN Ở VIỆT NAM:
01. Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, 1957.
02. Lịch Trình Diễn Tiến của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam, 1959.
03. Xây Dựng Nhân Sinh Quan, 1960.
04. Luyến Ái Quan qua Triết Thuyết và Tình Sử, 1961.
05. Cách Mạng và Hành Động, 1962.
06. Người Viễn Khách Thứ Muời, Kịch, 1963.
07. Từ Binh Pháp Tôn Ngô đến Chiến Lược Nguyên Tử, 1965.
08. Việt Nam, nơi Chiến Trường Trắc Nghiệm, 1966.
09. Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tưởng Ấn Độ, 1966.
10. Biện Chứng Giải Thoát trong Giáo Lý Trung Hoa, 1967.
11. Nguyên Tử Hiện Sinh và Hư Vô, 1969.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN Ở HOA KỲ:
01. Lăng Kính Đại Thừa, 1982. 02. Tánh Không và Kinh Kim Cang, 1983.
03. Lăng Nghiêm Ảnh Hiện, 1983. 04. Nguồn Thiền Như Huyễn, 1984.
05. Mật Tông và Kinh Đại Thừa, 1986. 06. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 1, 1988
07. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 2, 1989. 08. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 3, 1991.
09. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 4, 1992. 10. Ma Tâm và Ma Sự của người tu, 2001

Ông mất ngày 07 tháng 05 năm 2000 tại Orange County, California, Hoa Kỳ.

TRẦN HỒNG CHÂU
(1921-2003)


Thi sĩ TRẦN HỒNG CHÂU tức Giáo sư NGUYỄN KHẮC HOẠCH, sinh năm 1921, tại Hưng Yên, mất năm 2003 tại California, Hoa Kỳ.

Học tại Trung Học Khải Định, Huế (1936-1943) rồi Trường Đại Học Luật Hà Nội cho tới năm 1945.

Xuất ngoại: Học Đại Học Sorbonne, Paris, đậu Cử nhân Văn Chương năm 1950, và Tiến Sĩ Văn Chương Quốc Gia (Doctorat d’Etat) năm 1955.

Tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Quốc Tế Học thuộc Đại Học Luật Khoa Paris (Institut des Hautes Études Internationales de la Faculté de Droit), Paris, 1952.

Tốt nghiệp Trung Tâm Âu Châu Học thuộc Đại Học Nancy (Centre D’Etude Européennes, Université de Nancy) Pháp quốc, 1957.

Về nước năm 1957, gia nhập ban giảng huấn Đại Học Văn Khoa Saigon, phụ trách các môn Văn chương Pháp và Văn chương Việt Nam. Đồng thời cũng giảng dậy tại Đại Học Sư Phạm Saigon, Học Viện Quốc Gia Hành chính và Viện Đại Học Huế.

Được bầu làm Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon từ 1965 đến 1969.

Giáo sư biệt thỉnh về văn chương Pháp và văn chương, văn hoá Việt Nam tại Southern Illinois University trong thời gian 1970-1974.

Thành viên của Ủy Ban điển chế văn tự và Ủy Ban soạn thảo từ điển Bách khoa Việt Nam (1968-1970). Thành viên Hội Đồng Viện Đại Học Saigon từ 1958 đến 1970. Được tưởng thưởng Văn Hoá Giáo Dục Bội Tinh (1968).

Thành viên của các hiệp hội văn hoá giáo dục tại quốc ngoại và quốc nội: Modern Languages Association từ 1971, Association of American University Professors từ 1973, Association for Asian Studies từ 1971, American Oriental Society từ 1973, Societé des Etudes Indochinoises (1961-1970), Hội Việt Nam liên lạc Văn hoá Á châu (1958-1961).

Đã dự một số hội nghị về văn hoá giáo dục ở trong và ngoài nước: Nhật (Đại Học Keio, 1960), Ấn độ (New Delhi, 1965), Đài Loan (Đài bắc, Việt Trung Hoa học, 1969). Tham quan một số Đại học Đại Hàn (1967) và Hoa Kỳ (1966 và 1968).

Khai đường mở lối cho Viện Việt Học: Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đã được Hội Đồng Viện Việt Học mời vào Ban Cố Vấn từ ngày thành lập Viện, 26 tháng 2, năm 2000 và được mời làm Viện Trưởng Viện Việt Học (2001-2003), California.

Le Japon et le Traité de Paix (Nhật Bản và Hoà Ước), Paris, 1952.
Le Roman Vietnamien au 18e et 19e Siècle (Tiểu Thuyết Việt Nam Thế Kỷ 18 và 19), Paris, 1955.
Les Relations Américano-japonaises depuis 1951 (Quan hệ Nhật-Mỹ từ 1951), Paris, 1957.
Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hoá Giáo Dục, (biên khảo, phê bình), Lửa Thiêng, Saigon, 1970.
Thành Phố Trong Hồi Tưởng (tùy bút), An Tiêm, Los Angeles,1991.
Nửa Khuya Giấy Trắng (thơ), Thanh Văn, Los Angeles, 1992.
Nhớ Đất Thương Trời (thơ), Thế Kỷ, Los Angeles, 1995.
Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây (thơ) Văn Học, Los Angeles, 1999.
Dăm Ba Điều Nghĩ về Văn Học Nghệ Thuật (tiểu luận), Văn Nghệ, 2001.
Vietnam Culture Series (Series Editor), Việt-Học Publishing, 2001-2003
Để Tưởng Nhớ Nguyễn Du (thơ), Viện Việt Học, 2002
Suối Tím (thơ), Văn Nghệ, 2003
Tuyển tập Trần Hồng Châu (thơ, tùy bút, tiểu luận), Viện Việt Học, 2004

 

ĐẶNG TRẦN HUÂN
(1929-2003)

Đặng Trần Huân sinh ngày 7-6 -1929, cựu Thiếu tá QLVNCH, làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí. Khởi viết năm 1953. Ông xuất thân sĩ quan Bảo chính đoàn từ Hànội trước 1954, (sau là Bảo An ), từng là cấp chỉ huy của sĩ quan báo chí Lê Cự Phách (tức Du Tử Lê ) – Ông chuyển sang làm báo chuyên ngành quân đội, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến – Quân Lực VNCH. Bị đi tù cải tạo ở miền Bắc, khi được trả tự do, Ông sang định cư tại Hoa kỳ, diện H.O năm 1992.

Ông là tác giả CHUYỆN CẤM ĐÀN BÀ ( tập 1 và 2) , HẢI ĐẢO THẦN TIÊN (dịch), THÀNH PHỐ BUỒN THIU ( bút ký ). Sang Hoa Kỳ, tự xuất bản HÀNH TRÌNH MỘT HÁT-Ô (Văn Mới 1995 ) NHỮNG NGƯỜI THÍCH DẤU HUYỀN ( 1998) CHỮ NGHĨA BỀ BỀ ( 2000). Ông qua đời ở Hoa Kỳ ngày 21 tháng 3 năm 2003.

ĐỖ NGỌC YẾN
(1941-2006)

Ông là người sáng lập và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của Nhật báo Người Việt, tờ báo lâu đời nhất và cũng lớn nhất tại hải ngoại. Ông cũng là một trong những người góp phần tạo lập ra khu Little Saigon tại Quận Cam, California.

Ông bắt đầu viết báo khi còn đi học và là chủ bút tờ báo ở trường Trương Vĩnh Ký. Khi vào đại học Văn khoa, ông trở thành một đại diện trong ban Chấp hành Sinh viên và đã tổ chức những cuộc xuống đường đòi lật đổ tướng Nguyễn Khánh năm 1964. Năm sau ông bắt đầu làm việc với International Voluntary Service (IVS), một hội thiện nguyện Hoa Kỳ, vận động và tổ chức thanh niên sinh viên giúp tổ chức này phân phối thực phẩm cho đồng bào bị nạn bão lụt ở miền Trung.

Từ năm 1964 ông Ðỗ Ngọc Yến viết bài cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, tạp chí Văn Nghệ, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác. Bắt đầu từ thập niên 1970 ông cộng tác với nhiều phóng viên các báo ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam. Ngày 26-04-1975, ông và vợ cùng 3 con rời Việt Nam và định cư ở Hoa Kỳ.

Ông thành lập tờ báo Người Việt (vào cuối năm 1978 ban đầu là tuần báo, tới 1985 thì trở thành nhật báo). Ông cũng đứng vai trò trung gian chuyển đạt quan điểm người Việt tị nạn đến với người Mỹ qua báo chí Mỹ. Ông mất ngày 17 tháng 8- 2006 tại bệnh viện Fountain Valley, miền Nam California.

THANH TÂM TUYỀN
(1936-2006)

Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936, tại Vinh, Nghệ An. Từ 16 tuổi đã đi dạy học tại Hà Đông, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội. Từ 1954 ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam. Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia ban biên tập tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam suốt một thập niên.

Do động viên năm 1962, Ông hoạt động trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, công tác huấn luyện văn hóa, cấp bực cuối cùng là đại úy. Từ 1975 bị đi học tập nhiều năm tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ.

Đã xuất bản khoảng mười tác phẩm. Ba tập thơ : Tôi không còn cô độc (1956), Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957) ; Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967).Ba tiểu thuyết : Cát lầy(1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận(1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn.

Ông qua đời lúc 11 giờ 30 ngày 22-3-2006 tại thành phố St Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, nơi ông cư ngụ, hưởng thọ 70 tuổi.

HOÀNG ANH TUẤN
(1932 – 2006)

Hoàng Anh Tuấn là một nhà đạo diễn và nhà văn sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 17 tuổi ông du học sang Pháp đến năm 1958 thì về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh IDHEC (L’Institut des hautes études cinématographiques) ở Paris.

Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim có sự đóng góp của ông là

Ngàn năm mây bay(1963), dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn
Hai chuyến xe hoa(1961) dựa trên tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được
Nước mắt đêm xuân với các diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.
Xa lộ không đèn(1972) với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu

Sau năm 1975 ông bị đi tù cải tạo đến năm 1979 thì xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất năm 2006 ở San Jose, California.

Tác phẩm của Hoàng Anh Tuấn :
Ly nước lọc– kịch
Hà Nội 48– kịch
Về Provence– tập thơ
Yêu em, Hà Nội– tập thơ
“Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” – nhạc soạn cùng với Phạm Đình Chương.

PHẠM VIỆT TUYỀN
(1926-2009)

Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo Phạm Việt Tuyền, bút hiệu Thanh Tuyền, sinh ngày 15 tháng Tám, năm 1926. Ông từng là Chủ nhiệm nhật báo Tự Do kiêm Giám đốc Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do. Ông cũng là Tổng Thư Ký của Trung Tâm Văn Bút VN trong nhiều nhiệm kỳ. Tác phẩm của ông gồm những cuốn“Trên Ðường Phụng Sự,” (Kịch, Xb năm 1947) “Nghệ Thuật Viết Văn,”(Biên khảo, Xb năm 1952) “Phá Lao Lung,” (Thơ, Xb năm 1956) “Quan Ðiểm Về mấy Vấn Ðề Văn Hóa,” (Biên khảo, Xb năm 1953) hay “Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương,” (Biên khảo, Xb năm 1969).. vân vân…

Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy chứng chỉ dự bị ban Việt Hán, ở Ðại Học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại Học Văn Khoa, Huế. Ðầu thập niên 1980, ông chọn định cư tại thành phố Strasbourg, Pháp. Ông mất ngày 16 Tháng Hai, năm 2009.

CAO XUÂN HUY
(1947-2010)

Cao Xuân Huy sinh tháng 9 năm 1947, quê nội ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Hà Nam. Sau hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, gia đình ông cũng bị chia ly. Thân phụ ông theo kháng chiến, trở về Hà Nội, chị ông không vô Nam, ở lại với bố. Còn ông thì theo mẹ di cư vào Nam.

Ông nhập ngũ năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân Lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.
Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ một năm sau đó.

Năm 1985, ông in cuốn hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”, là cuốn hồi ký được viết năm 1985, ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên- Huế cho đến khi tác giả bị bắt làm tù binh. Cuốn sách đã được tái bản đến 10 lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới.

Năm 2005, nhà văn Cao Xuân Huy làm chủ biên tạp chí Văn Học (kế tục vai trò của nhà văn Nguyễn Mộng Giác) đến tháng 4 năm 2008 Văn Học phát hành số 236 thì đình bản vì lý do ông bị ung thư mắt, sức khỏe suy yếu nên không thể chăm lo cho tờ báo. Ngày 12-11-2010 nhà văn Cao Xuân Huy từ trần sau một thời gian dài bệnh nặng. Bốn tháng trước khi qua đời, ông cho ra mắt cuốn “Vài mẩu chuyện” do tạp chí Văn Học xuất bản.

THẢO TRƯỜNG
(1936-2010)

Nhà văn Thảo Trường tên thật Trần Duy Hinh, sinh ngày 25-12-1936 (giấy tờ ghi 1938) tại Nam Định trong một gia đình đông con, ông là người thứ chín. Thân phụ ông mất sớm, năm 1954 ông di cư vào Nam để lại mẹ và người chị ở quê nhà lo phụng dưỡng ông nội và coi sóc mồ mả tổ tiên. Nhưng sau đó, mẹ ông bị đấu tố, bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, phải ra ở ngoài gò đất giữa cánh đồng nước mênh mông. Vào Nam, nhà văn Thảo Trường gia nhập quân đội theo học khóa 6 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, và chính thức viết văn.

Truyện ngắn “Hương gió lướt đi” là tác phẩm đầu tiên của ông đăng trên tạp chí Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo làm chủ bút. Nhà văn Thảo Trường tham dự chiến tranh Việt Nam suốt 17 năm. Ngày 30/4/1975 ông đi tù gần 17 năm, trải qua 18 nơi giam giữ. Sau khi ra tù một năm, ông sang Mỹ đoàn tụ với vợ con. Ông đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi

Các tác phẩm đã xuất bản gồm:
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Chung Cuộc (1969, xuất-bản chung với Du Tử Lê), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) , Cát (1974), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002) , Miểng (2005), Những miểng vụn của tiểu thuyết (2008).

 

PHẠM CÔNG THIỆN
(1941-2011)

Phạm Công Thiện sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa Giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, và Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo và tạp chí như Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn. Năm 1960, ông khởi sự viết cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học khi chưa được 19 tuổi.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1968-1970, giữ chức trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện đại học này. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông lập gia đình và sau đó làm giáo sư triết học Tây phương của Viện Ðại học Toulouse. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, làm giáo sư ở College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến lúc qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011.

NGUYỄN CHÍ THIỆN
(1939-2012)

Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2, 1939 là một nhà thơ phản kháng chính thể CSVN. Ông đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội “phản động”.

Sinh trưởng tại Hà Nội, ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà Nước nên ông bị bắt vì tội “phản tuyên truyền”.

Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.

Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ do ông sáng tác cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 ông được ra tù.

Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.

Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka. Nhưng số phận nghiệt ngã, tên tuổi của ông lại bị những ý đồ đen tối vùi giập một thời gian dài cho đến khi ông qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ. Sau đây là lời nhận định của nhà phê bình văn học Thụy Khuê :

“Nguyễn Chí Thiện, trong sâu thẳm của thi ca, hình hài, và ngôn ngữ, trong tác phong, trong cách diễn đạt, là một nhân cách thật, một con người thật. Chỉ vì nói thật mà mắc vòng tù tội. Một con người ngây thơ, thành thật, ngơ ngác, vấp ngã trước bao giả trá, tàn ác của chế độ độc tài. Tính thật ấy toát ra trong lời nói, trong câu văn, không hoa mỹ, không vòng vo. Chất thật ấy bao trùm không gian, bọc lấy người nghe, như một điệu buồn, như một hồn ma không đất đậu trên quê hương mà gian dối đã thở thành sự thật. “

 

TUẤN HUY
(1933-2012)

Nhà văn Tuấn Huy tên thật là Nguyễn Năng Toàn sinh năm 1933 tại Hà Nội. Về sự nghiệp văn chương, Tuấn Huy được ghi nhận là thành công rất sớm. Trong 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, ông có một số tiểu thuyết vẫn được nhiều người nhắc đến như: Nỗi Buồn Tuổi Trẻ, Ngày Vui Qua Mau, Yêu trong bóng tối, Hương Cỏ May, Vòng tay Chờ Ðợi, ..v…v…

Vượt biển tìm tự do, trong thời gian tạm trú tại trại tỵ nạn, Tuấn Huy viết truyện dài“Bến Lỡ.” Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, ông đã xuất bản thêm nhiều tác phẩm mới như “Dòng Sông Trong Giọt Nước,” “Thềm Sương Mù” (tiểu thuyết).“Xuôi Dòng Trầm Cảm” (tâm cảm) và, “Những Sợi Mưa Hư Ảo,” tiểu thuyết. Tác phẩm này tuy đã được in thành sách, nhưng ông chú thích “Ấn phẩm đặc biệt này dành riêng cho tác giả không bán.” Ngay nơi trang đầu của tiểu thuyết (có thể coi là sau cùng), nhà văn Tuấn Huy ghi “Thương nhớ Uyển Hương và gửi các con…” Tưởng cũng nên nói thêm, Uyển Hương là khuê danh người bạn đời của tác giả “Vòng Tay Chờ Ðợi.” Bà mất trong chuyến vượt biên hồi tháng 7 năm 1981 ở Biển Ðông.

Ông qua đời ngày 24 tháng 2 năm 2012, tại miền Nam California.

NGUYỄN MỘNG GIÁC
(1940-2012)

Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam.

Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tiếp tục học tại trường Cường Để (Quy Nhơn), trường Võ Tánh (Nha Trang), rồi học năm chót của bậc trung học tại trường Chu Văn An (Sài Gòn).

Sau khi học một năm ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt-Hán. Năm 1963, ông tốt nghiệp thủ khoa, khóa Nguyễn Du. Ngay năm ấy, ông được điều đến giảng dạy tại trường Đồng Khánh ở Huế. Năm 1965, ông được đổi vào Quy Nhơn làm Hiệu trưởng trường Cường Để.

Năm 1973, ông được thăng làm Chánh sở Học Chánh tỉnh Bình Định. Năm 1974, ông chuyển vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục thuộc Bộ Giáo Dục cho đến 1975.

Về sự nghiệp văn chương, ông bắt đầu viết văn từ năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Năm 1974, truyện dài Đường Một Chiều của ông được giải thưởng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Tháng 11 năm 1981, sau khi vừa viết xong trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ, ông cùng con trai vượt biển, đến được đảo Kuku của Indonesia. Trong mấy tháng ở đây, ông đã viết một số truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa Nản Chân Bon, và tập I của bộ trường thiên tiểu thuyếtMùa Biển Động.

Tháng 11 năm 1982, ông đến Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, cộng tác với các báo: Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.

Từ năm 1986, ông làm Chủ bút tạp chí Văn Học ở California, Hoa Kỳ. Đến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng công việc làm báo vì phát hiện bị ung thư gan.

Ông đã qua đời ngày 2 tháng 7 năm 2012 tại tư gia ở thành phố Westminster (Orange County, California, Hoa Kỳ), thọ 72 tuổi.

THẾ UYÊN
(1935-2013)


Nhà văn Thế Uyên tên thực là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam.

Cùng với người anh ruột là nhà văn Duy Lam, Thế Uyên khi vừa qua tuổi 20, tên tuổi đã hiện diện trong làng báo. Ông là người sáng lập tạp chí Thái Độ, như là một điểm khởi hành mới trong hành trình chữ nghĩa của chính bản thân ông. Ông là tác giả các tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, như Mười Ngày Phép của một người lính, Tiền Đồn

Nhà văn Thế Uyên tốt nghiệp Trung học Chu Văn An, theo học tại Đại học Văn Khoa và Sư Phạm, trở thành giáo sư Việt văn, dạy tại nhiều trường trung học công lập ở miền Nam, rồi thuyên chuyển lên dạy ở Ban Mê Thuột trước khi được động viên vào khoá 14 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trước năm 1975 ông đã xuất bản 21 cuốn sách, kể cả dịch cuốn Exodus của Leon Uris qua tiếng Việt là tác phẩm Về Miền Đất Hứa rất nổi tiếng được nhiều người tìm đọc

Sau 1975 ông bị đi tù cải tạo rồi đi định cư tại tiểu bang Washington Hoa Kỳ vào năm 1987. Ở đây ông vừa viết văn vừa đi học rồi đi làm. Ông đã có thêm mười tác phẩm được xuất bản: Sài Gòn sau mười hai năm, Con đường qua mùa Đông, Nghĩ trong mùa Xuân, Tuyển tập truyện ngắn Thế Uyên, Tuyển tập dâm tình của các nhà văn nữ Hoa Kỳ, Khu vườn mùa mưa, Nhà văn già và cô bé gù, Không một vòng hoa cho người chiến bại, Những người Mỹ chung quanh chúng ta.

Nhà văn Thế Uyên đã qua đời ngày 11 tháng 6, 2013 tại tư gia ở Bothell, tiểu bang Washington thọ 78 tuổi.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG
(1940-2014)

Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940 tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Petrus Ký (Sài Gòn).

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Văn Khoa (Triết học), Viện Đại học Đà Lạt (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà (1961-1962), tại trường Pétrus Ký ở Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).

Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose.

Năm 1986-1997, ông làm tổng thư ký báo Người Việt Daily News California).

Năm 1989- 1994, ông còn là tổng thư ký tạp chí Thế kỷ 21 (California) thuộc công ty Người Việt.

Năm 1994, ông ở trong ban chủ biên tạp chí Văn Học. Tháng 9 năm 1996, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn, đồng thời ông làm tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ tháng 11 năm 1998 đến tháng 11 năm 2005. Sau đó ông chủ trương báo Việt Tribune.

Ông cũng từng là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học California-Berkeley. Sau một thời gian định cư tại San Jose (Bắc California), ông qua đời tại đây vào ngày 13 tháng 9 năm 2014.

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã xuất bản gồm:

Tập truyện ngắn
Mù sương (1966)
Sinh nhật (1968)
Truyện dài:
Bụi và rác (1996)
Khu rừng hực lửa (1972)
Kẻ tà đạo (1973)
Người đi trên mây (1987)
Sa mạc (1989)
Các thể loại khác
Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)
Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)…

Nhật Tiến biên soạn
(tổng hợp từ nhiều nguồn)

_https://nguoitinhhuvo.wordpress.com

Không có gì là rác cả


“Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang.

Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go đó khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa
Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

– Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

Soko trả lời:

– Con xin hết lòng tin tưởng sư phụ.

Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

– Theo ta.

Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

– Quét dọn vườn.

Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.

Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét, quét và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

– Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

Bất ngờ, đại sư quát lên:

– Rác, người nói gì? Không có gì là rác cả!

Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:

– Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.

Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

– Mở rộng miệng bao ra.

Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại dậm dậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

– Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

– Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

– Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.

Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đất, từ tốn trám vào.

Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

Chết cho người khác sống

Ignace Philippe Semmelweis
(1818 _ 1865)

Khi Thiên văn bắt những người như vậy phải đóng vai Tiên Tri thì vở kịch luôn luôn biến thành một bi kịch. Còn là may cho nhân loại đấy, nếu lời tiên tri không tiêu trầm luôn với nhà Tiên Tri.
W.A.Freund

Làm được một việc thiện không phải là dễ! Có đủ sáng suốt để thấy con đường phải, đủ nghị lực để theo con đường đó, lại được bạn bè giúp sức, mà rồi phải thất bại trước sự ngu muội mênh mông của người đương thời, tánh thủ cựu bất di, bất dịch của nhân loại, thói tranh quyền, cố vị của người trên, lòng ghen ghét ti tiện của đồng nghiệp, đó là trường hợp chua xót của Ignace Philippe Semmelweis, một người trong ba chục năm hô hào bằng diễn văn, bằng sách báo, mỗi một việc rất dễ dàng là rửa tay, để cứu hàng triệu nhân mạng, mà chẳng ai theo cả, lại còn cản trở, chế giễu nữa, đến nỗi thấy đàn bà, trẻ con cứ chết như rạ, ông đau lòng quá hóa mất trí, tìm cách tự tử rồi tắt thở trong một nhà thương điên, xa quê hương, xứ sở.

Ông sinh ngày 01 tháng 07 năm 1918 ở Budapest (Hung Gia Lợi), trước Pasteur 4 năm, trong một gia đình bán tạp hóa. Cha là Joseph và mẹ là Thérèse.

Tuổi nhỏ của ông không có gì đặc biệt. Năm 19 tuổi, ông lại Vienne, kinh đô Áo, học luật. Một hôm, ông theo bạn lại trường y khoa, dự thính một bài giải phẩu. Nghe giáo sư giảng những huyền bí của cơ thể con người, ông thích quá, về viết ngay một lá thư cho song thân. Thư rằng:

Thưa ba má, Con ghét môn Luật lắm. Con không thể nào trở thành một nhà Luật học như ba má mong muốn đâu. Từ trước tới nay, như ba má thấy, con không tỏ ý thích một môn nào cả. Nhưng hôm nay, con đã được dự một buổi giải phẩu. Khi đi, con nửa vui, nửa sợ, mà lại tởm, chỉ coi như một trò đùa thôi (…). Bây giờ thì con biết rằng con phải thành một Y sĩ, chỉ có thể thành một y sĩ thôi, con không thể cưỡng được ý muốn trở thành một Y sĩ. Thế là con đã tìm được một đời sống có ý nghĩa đối với con. Một nghề mà con để tất cả tâm hồn vào.

Xin ba má tha lỗi cho con, hiểu cho con. Con đã xin ghi tên rồi và ngày mai, con bắt đầu học.

o0o


Đúng như lời trong thư, chàng đem tất cả tâm trí để học, quên ăn, quên ngủ, quý những sách y học như Thánh kinh, coi Y khoa học đường như một ngôi đền, đọc sách suốt ngày, gặp chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy, hỏi bạn cho được. Một lần, một giáo sư giảng về chất Cơ – lo (Chlore), bảo chất đó có tính cách giết mọi khí độc rất nhanh, ngăn được sự truyền nhiễm. Cả lớp chỉ có một mình chàng đưa tay hỏi:

– Thưa giáo sư, nó giết khí độc cách nào ạ?

– Chẳng hạn dùng nó thì mổ xẻ các thây ma sẽ không bị nhiễm độc, trò hiểu rồi chứ?

– Dạ. Nhưng người ta diệt các khí độc cách nào ạ?

– Khi cậu thở là cậu hít không khí. Nếu không hít không khí thì cậu sẽ chết. Thì đó, không khí duy trì sự sống cách đó. Không khí duy trì sự sống ra sao thì hơi cơ-lo tiêu diệt các hơi độc cũng như vậy. Nghe ra chưa?

– Thưa giáo sư, tôi vẫn chưa nghe ra ạ.

– A! Cậu vẫn chưa nghe ra? Nhưng cậu biết rằng nó như vậy chứ?

– Thưa biết.

– Thôi hết giờ rồi. Để kỳ sau.

Xét câu chuyện đó, ta thấy Semmelweis có óc tiến hơn người đương thời. Phải đợi vài ba chục năm sau, khi thuyết của Pasteur ra đời, người ta mới có thể đáp câu hỏi của chàng được.

Chàng học rất tấn tới. Nhưng vốn là người Hung, từ giọng nói đến cử chỉ đều khác người Áo, nhất là y phục rất lôi thôi, nên bị các bạn học trêu ghẹo, chế giễu. Chàng chỉ giao du với một bạn đồng hương là Ludwig Von Markussovsky. Cuối năm, ghét cái không khí đó, chàng về quê nhà, xin vô học tiếp Y khoa ở Đại học đường Pesth. Nhưng trường đại học này nhỏ, thiếu dụng cụ thí nghiệm, giáo sư dở, chàng ráng học hết niên khóa rồi trở lại Vienne.

Nhờ trí thông minh, tính chuyên cần, đứng đắn, chàng được hai giáo sư ở Vienne là Rokitansky và Skoda che chở, tận tâm chỉ bảo, cho tiền may quần áo, mời về ở chung nhà. Cả hai sau đều thành những bạn thân, những người đỡ đầu của Semmelweis.

o0o


Giáo sư Skoda là một người khá đặc biệt. Năm 1834, ông là y sĩ đầu tiên ở Áo dùng ống thính chẩn (Stéthoscope) của Laennec chế tạo … Bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh, óc thủ cựu, cấm ông dùng ống đó, ông không nghe, bèn kêu ông vô phòng rầy:

– Bác sĩ Skoda, từ một tháng nay, tôi nghe nhiều lời kêu ca về ông. Các con bệnh phàn nàn rằng ông làm họ khó chịu, làm nhột họ vì ông lấy một cái ống kỳ quái chọc vào ngực, vào sườn, vào bụng họ. Cái thứ đó là của người Pháp làm ra. Mà tôi đã bảo ông rằng tôi không muốn người ta làm cái trò đó trong dưỡng đường của tôi, sao ông không chịu nghe lời?

Skoda đáp:

– Thưa ông giám đốc, dùng ống nghe đó nghe rõ tiếng trong tim, trong phổi hơn lên, chứ có hại gì đâu ạ. Xin ông giám đốc cứ nghe thử một lần sẽ biết.

– Tôi không cần phải nghe. Đại dưỡng đường ở đế đô này, không khi nào dùng cái đồ của người Pháp đó. Ông cải lời tôi hử? Kể từ giờ phút này trở đi, ông không còn ở dưới quyền tôi nữa.

– Nhưng thưa ông giám đốc, xin ông cho tôi …

– Thôi, mời ông ra, không nói gì nữa.

Ngay buổi chiều hôm đó, Skoda khiêng rương tới nhà thương điên vì đã bị đổi lại đó.

Nhưng ông không phải là hạng người chịu lép vế. Ông biết rằng làm nghề y sĩ mà không được một chính khách có quyền thế che chở thì bị tủi nhục, nên ông vận động trong chính quyền và bốn tháng sau, ông được chuyển qua làm y sĩ trong ty cảnh sát và tiếp hai tháng nữa, ông lại trở về Đại dưỡng đường Vienne.

Lần này, gặp chủ cũ là bác sĩ Klein, ông tươi cười chào, Klein đáp lại lạnh lùng, nhưng lễ phép vì biết Skoda không phải tay vừa. Và từ đó nhắm mắt để Skoda tha hồ dùng ống thính chẩn.

o0o


Nhờ sự giúp đỡ của Skoda và Pokitansky mà sự học của Semmelweis rất tấn tới. Chàng nổi tiếng là một sinh viên xuất sắc nhất trường.

Một hôm, Skoda giao cho chàng chăm sóc một em nhỏ 18 tháng. Đứa nhỏ rất kháu: Da trắng, mắt xanh, tóc hung hung, nhưng bịnh tình có vẻ nặng. Mặt hốc hác, nằm rên hoài, da vừa nóng, vừa nhớp, nướu sưng, lưỡi khô, mắt lờ đờ, đi tướt phân rất hôi, chân tay như ống sậy, trên mình có những vết bầm rất lạ, bụng phồng lên mà không cứng.

Người mẹ đứa trẻ đứng bên cạnh, tỏ vẻ lo lắng hỏi chàng:

– Thưa bác sĩ, cháu Lisl qua khỏi được không ạ?

– Không sao đâu, tôi cam đoan là cháu nó sẽ mạnh.

Chàng nói vậy, nhưng trong lòng rất phân vân, chưa biết là bệnh gì. Sốt thì phải rồi. Nhưng sốt là triệu chứng của hàng chục thứ bệnh. Bệnh nào đây? Chàng bỗng thấy rằng: Mặc dầu đọc hàng trăm pho sách, mặc dầu đứng đầu lớp mà chàng vẫn dốt, dốt quá!

Chàng về phòng tra các sách thuốc. Thì đây, đúng rồi, bệnh thổ tả chứ gì nữa? Chàng nhớ lại những triệu chứng của em nhỏ thì đích thị là triệu chứng bệnh thổ tả, chỉ khác mỗi một điều là bệnh này không có những vết bầm trên người. Nhưng chàng nhớ một vị giáo sư đã dạy rằng: Bệnh nào cũng có ngoại lệ.

Chàng trở lại phòng bệnh, ra toa.

Người mẹ đứa nhỏ vẫn đứng đợi, rụt rè thưa:

– Sao tôi thấy lưỡi cháu nó đen quá!

– Không sao, tôi biết rồi. Tôi cho toa thuốc này, bà về nấu cháo gà cho nó ăn, nó sẽ hết.

Đứa nhỏ chảy máu cam, kêu đau bụng. Chàng nhấn vào những vết bầm, nó tan đi. Chàng xét kỹ giường nó nằm, thấy một con rệp, càng tin ở sự chẩn đoán của mình. Nhưng đến khuya, bệnh đứa bé không giảm mà còn tăng, mắt lờ đờ, thở khó khăn, mạch nhỏ như sợi tóc. Chàng đâm sợ, luýnh quýnh không biết làm sao…. Rồi nó tắt thở. Chàng lắc nó, mới đầu nhẹ, sau mạnh, hết sức mớm hơi thở cho nó. Một người đặt tay lên vai chàng bảo:

– Uổng công bác sĩ, nó chết rồi.

Chàng đau đớn trở về phòng, thấy cái ngu của mình mênh mông như biển và cái tội của mình nặng như núi.

Hôm đó, chàng còn chữa một em nhỏ nữa, cũng mắc bệnh như Lisl, mà cũng vô hiệu. Sáng sớm, chàng vội vàng đi kiếm Skoda, năn nỉ:

– Thưa bác sĩ, xin bác sĩ tới liền cho, tôi đã lầm lỡ một cách ghê gớm.

Skoda đang ngủ, phải thay quần áo, đi theo tới nhà thương, đi ngang giường của em Lisl, ngó qua, rồi lại giường của em nhỏ thứ nhì.

Semmelweis mếu máo nói:

– Tôi xin lỗi bác sĩ. Tôi đã tự làm nhục cho mình, còn làm nhục tới nhà thương nữa … Tôi thú thực không trị nổi, xin bác sĩ làm ơn chữa giùm em nhỏ này. Tôi muốn bỏ nghề này thôi, tôi không thể nào thành lương y được.

Các bệnh nhân trong phòng bắt đầu nhao nhao lên. Skoda phải kéo Semmelweis ra ngoài sân bảo:

– Đứa nhỏ đó sắp chết, không thể chữa được.

– Không có thuốc gì cả? Vô phương?

– Vô phương! Anh cho nó là bệnh gì?

– Dạ bệnh thổ tả.

– Không đúng hẳn. Nó bị bệnh thương hàn. Nặng lắm rồi. Ỉa ra máu là lủng ruột rồi.

Vừa lúc đó, mẹ em Lisl tới, thấy con đã chết, khóc bù lu, bù loa lên, trách Semmelweis là nói dối, là gạt bà. Semmelweis càng an ủi, bà ta càng la lớn:

– Người ta đều bảo cho tôi hay trước rằng các ông là kẻ sát nhân, rằng đừng cho nó vào nhà thương, hễ vào thì chết. Ôi, con ơi là con ơi! Con đi đâu? Người ta giết con!

Skoda nắm vai bà ta, lắc mạnh:

– Không im đi thì tôi đuổi ra ngoài đa! Ở đây, chúng tôi đều tận tâm chăm sóc nó. Nhất là ông bạn tôi đây đã thức đêm, thức hôm vì nó. Thím không có quyền trách ai hết. Cái lối gì mà gào lên như vậy? Tôi sai người đuổi thím ra bây giờ.

Semmelweis cúi mặt xuống, trơ như khúc gỗ, rưng rưng nước mắt. Skoda nắm tay chàng, dắt lại một phòng bảo:

– Cảm xúc như vậy là vô lối. Phải thắng nó đi. Khoa học không cần dùng tới cảm xúc. Lòng thương và nước mắt không cứu được bệnh nhân.

– Thưa bác sĩ, thấy họ chết tôi chịu không được. Họ tin cậy ở tôi như vậy mà tôi giết họ.

– Anh không giết ai cả. Bệnh đó không có thuốc chữa. Những bệnh nội thương thì phương pháp hay nhất là không làm gì cả. Vả lại, ai cũng phải chết. Dù anh có chữa được cho nó thì chỉ là kéo dài hạn chết ra thôi. Anh phải diệt cái bệnh thương người đó đi thì mới làm y sĩ được, nghe chưa?

– Thưa bác sĩ, vâng ạ!

Nhưng Skoda không biết bệnh thương người cũng là một bệnh vô phương cứu chữa. Và Semmelweis đã mang lụy nhiều vì nó.

o0o


Năm 1844, Semmelweis trình một luận văn nhan đề là: ĐỜI SỐNG CÁC THẢO MỘC, để lấy bằng cấp Bác sĩ. Luận văn chỉ dài 12 trang mà không có tính cách khoa học, chỉ là một bài thơ bằng tản văn ca tụng những cái đẹp của vũ trụ. Xin độc giả đọc đoạn dưới đây thì biết:

Còn có cảnh nào làm cho ta vui thích bằng cảnh đời sống của thảo mộc, cảnh những bông đủ loại, màu sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, nó tặng cho ta những vị tuyệt thú, lại nuôi dưỡng ta nữa, trị được bệnh cho ta nữa? Linh hồn thảo mộc đã gây hứng cho các thi sĩ, con cháu của thần Apollon và làm chóa mắt họ (…). Lý trí của con người không thể hiểu nổi những hiện tượng đó, những hiện tượng mà tới nay, tuy vẫn còn là một bí mật nhưng được tinh thần triết lý công nhận và tôn trọng.

Đúng là giọng văn của cậu tú ban Triết ngày nay: Kêu mà nhạt, lại lúng túng nữa. Vậy mà cũng được ban giám khảo chấp thuận. Thời đó, học hành dễ thật!

Mới mừng thi đậu thì có tin thân mẫu đau nặng. Chàng chỉ kịp về đưa ma rồi trở lại Vienne ngay để học thêm về sản khoa.

Cuối thế kỷ 17, ở Châu Âu, đàn ông không được làm nghề hộ sinh. Qua đầu thế kỷ 18, tình trạng cải thiện một chút: Đàn ông được làm nghề đó, nhưng khi vào phòng sản phụ thì phải hai y sĩ cùng vào, phải có mặt người chồng hoặc một người nhà của sản phụ ở trong phòng, y sĩ lại phải cải trang thành phụ nữ, mặt trùm khăn voan và không được nói một tiếng nào trong khi đỡ đẻ, kẻo sản phụ thấy y phục, nghe giọng nói, họ nhận ra đàn ông mà mắc cỡ. Họ đỡ đẻ lạ lùng lắm: Sản phụ nằm trên giường, mặc y phục dài như bình thường, y sĩ luồn tay dưới y phục, đỡ đứa bé, khi đỡ xong, tắm nó bằng nước tiểu của chó, rồi lẳng lặng đi ra, có khi, nhau quấn cả vào chân người mẹ cũng mặc. Chính Semmelweis đã ra đời trong một hoàn cảnh như vậy.

Hồi đó, không có nhà hộ sinh và y sĩ phải tới nhà của mỗi sản phụ. Ít năm sau, hoàng hậu Marie Thérèse cho lập một khu hộ sinh trong Đại dưỡng đường Vienne. Khu này có một phòng giải phẩu. Mới đầu, người ta dùng hình nộm để chỉ cơ thể của sản phụ cho sinh viên, rồi sau mới được phép mổ xẻ. Ngày nào, Semmelweis và các bạn học cũng dự những buổi giải phẩu. Vì thây ma rất nhiều. Giáo sư mổ bụng một tử thi, lấy xác một hài nhi, đặt vào trong bụng tử thi đó rồi trùm khăn lên kín từ trên xuống dưới. Sinh viên luồn tay dưới tấm khăn, kéo thây hài nhi ra, tất nhiên là không phải qua vết mổ ở bụng. Xong giờ, sinh viên rửa tay qua loa trong một thùng nước rồi sang phòng sản phụ để coi mạch, đỡ đẻ. Có khi vội quá, họ chẳng thèm rửa, cứ để máu mủ đầy tay, chỉ vẩy vẩy vài cái hoặc chùi đại vào áo ngoài, vào túi quần. Phòng giải phẩu hôi thối không thể tưởng tượng được. Từ bàn ghế đến khăn, nệm, dụng cụ … đều cáu những máu mủ. Mà phòng sản phụ cũng không sạch gì hơn.

Bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh. Hoàng hậu Marie Thérèse lập ra khu đó vì nhân đạo, cốt để thu nhận, giúp đỡ những đàn bà bị chữa hoang, nghèo khổ và nuôi nấng những đứa trẻ vô thừa nhận. Cho nên bà ra lệnh rằng bất cứ người đàn bà nào xin vào nằm cũng đều được, không cần phải khai tên tuổi của mình và của chồng. Và một khi vào nằm đó thì bất cứ chồng con hay thân thích đều cũng không được vào đó quấy rối. Sở dĩ có nội quy đó là do tình trạng xã hội. Không hiểu tại sao chính phủ Áo lại cấm những người mù chữ làm lễ cưới. Dân lo kiếm ăn chưa xong, thì giờ đâu mà đi học, cho nên non nửa số trẻ em ra đời là những đứa con hoang; cũng có một số trẻ hoang là con của ông lớn, bà lớn. Như vậy thì tất nhiên phải lập một khu để chứa những hạng đó.

Khu hộ sinh ở Vienne gồm ba tiểu khu.

Tiểu khu thứ nhất do Klein chỉ huy, có các sinh viên phụ tá. Ông ta 52 tuổi, dốt, không có cao vọng gì cả, chỉ mong cố bám chặt lấy địa vị, nhờ chính sách luồn cúi, gây bè đảng, triệt để tuân lệnh bề trên, không dám làm mất lòng cụ lớn này, cụ lớn khác, nên chăm chú vào việc báo cáo, sửa đổi sự kiện và con số sao cho khỏi bị rầy. Chẳng hạn số người chết vì một bệnh dịch nào đó tăng lên thì ông ta rút xuống, cho là họ chết vì những bệnh khác, rồi khoe với cấp trên rằng nhân viên của ông ta đã tận tâm, nhất là phương thuốc của ông ta đã hiệu nghiệm. Tư cách của ông ta ra sao, chúng ta đã hiểu rõ từ khi ông ta đuổi Skoda vì vị bác sĩ này đã dám dùng ống thính chẩn của một ngừơi Pháp chế tạo. Mỗi lần đi khám bệnh, ông ta chỉ chú trọng xem giường bệnh nhân có kê ngay hàng hay không. Ông cầm cây thước đo, hễ sai một phân là quát tháo ầm ĩ lên. Còn bệnh nhân thì ông chỉ ngó qua, gật gật rồi đi. Quan niệm của ông về nghề Y rất kỳ quặc: Chỉ cần đoán đúng bệnh là giỏi rồi, vấn đề chữa không quan trọng, con bệnh sống hay chết không cần biết.

Tiểu khu thứ nhì và thứ ba do bác sĩ Bartsch chỉ huy và các cô đỡ phụ tá. Bartsch hiền lành, hơi nhút nhát, học vấn tầm thường, không có tài gì cả.
Tiểu khu thứ nhất và thứ nhì thu nhận những người nghèo, chứa được 350 giường, kê trong những phòng rộng mênh mông. Một khi đã vô nằm đó thì được luật pháp che chở: Công an cũng được bắt bớ, tra xét tên tuổi của sản phụ, dù có lệnh của triều đình.

Tiểu khu thứ ba có 60 giường, giành cho người giàu có chịu đóng tiền. Có phòng 6 giường, có phòng 10 giường. Có lối đi riêng, có cửa riêng để người ngoài khỏi trông thấy. Hầu hết các sản phụ đều thuộc hạng quý phái, có ngoại tình, giả trang, che kín mặt, cho không ai nhận ra được. Họ ghi tên và địa chỉ thật trong một miếng giấy, đưa cho y sĩ, y sĩ niêm phong trước mặt họ. Họ muốn nằm bao lâu thì nằm, muốn ra lúc nào thì ra. Khi ra, người ta trả lại họ bao thư có địa chỉ và tên tuổi còn y nguyên. Họ có thể mang theo đứa trẻ hoặc gửi lại cho Dưỡng đường nuôi.

Khi có người chết, người ta mở bao thư ra, coi địa chỉ và báo cho thân quyến biết, nếu trong thư có dặn như vậy, còn không thì thôi.

Mà họ chết rất nhiều, trung bình là chết một phần ba. Tình trạng đó chung cả Châu Âu. Có năm, Dưỡng đường Hotel Dieu ở Ba Lê chết già nửa số sản phụ. Bốn năm liền, nhà hộ sinh ở Iéna chết hết ráo, không một người nào sống sót … Trẻ con cũng vậy, đẻ ra ít ngày là chết, chết tới tám phần mười!
Có khi cả chục bệnh nhân nằm chung một giường; những sản phụ mới sanh nằm bên những kẻ hấp hối hoặc những thây ma lạnh ngắt mà 24 giờ sau, người ta mới chịu khiêng xuống nhà xác. Thật là kinh khủng!

o0o


Ở Đại dưỡng đường Vienne, tiểu khu hộ sinh thứ nhất nổi tiếng là chết nhiều nhất. Một hôm, Semmelweis mục kích một cảnh thương tâm. Một bà mẹ đã gần tới ngày sinh, xin vô nằm. Khi người nữ khán hộ mở cửa phòng, chỉ số giường cho thì bà ta chùng lại, không đi nữa, hoảng hốt ngó cô khán hộ rồi ngó Semmelweis. Bỗng có tiếng chuông leng keng, bà ta ngã xuống, mặt tái ngắt.

Cô điều dưỡng nắm tay, kéo lên an ủi:

– Không sao đâu mà!

Bà ta đứng dậy, run lật bật, mắt ngó Semmelweis trân trân, thở hổn hển, mồ hôi nhể nhại. Vụt một cái, bà ta quỳ xuống, lết tới Semmelweis, chắp tay năn nỉ:

– Bẩm bác sĩ, xin bác sĩ thương tôi. Tội nghiệp tôi lắm, Trời Phật phù hộ bác sĩ … Xin bác sĩ cho tôi đẻ ở ngoài đường.

Semmelweis cảm động quá, gương mặt bà đó hao hao giống thân mẫu của chàng. Chưa biết nói sao thì cô khán hộ đã la lên:

– Đi, vô đây. Ngay lập tức. Thế là cái nghĩa gì hả?

Bà mẹ lại năn nỉ nữa:

– Tội nghiệp tôi, bác sĩ. Xin ngài cho tôi ra.

Cuối phòng có tiếng gào. Rồi một người khác thút thít. Thế rồi cả phòng nhao nhao lên. Người ta bước xuống sàn, lết ra cửa.

– Tội nghiệp tôi quá, bác sĩ, tôi cắn cỏ lạy ngài. Một lần này thôi, cho tôi đẻ ở ngoài.

– Cho chúng tôi ra, chúng tôi không đẻ trong này đâu.

Có tiếng hét lên:

– Cho chúng tôi ra. Ở đây thì chúng tôi chết, chết hết mất!

– Ra ngoài đường … ra đẻ ngoài đường hoặc cho chúng tôi qua tiểu khu nhì.

Bà mẹ mới tới vẫn chắp tay khóc lóc:

– Lạy bác sĩ, ngài cho chúng tôi ra đẻ ngoài đường, xong rồi tôi xin vô ạ, rồi bác sĩ muốn bảo sao, tôi cũng xin nghe.

Cả phòng bao vây chàng, có người nước mắt đầm đìa ôm chặt lấy thân chàng. Họ lạy van, kêu trời, huyên náo cả khu. Các khán hộ ở ở phòng bên chạy tới, lôi kéo các sản phụ về giường và một lát sau, yên tĩnh trở lại, chỉ còn văng vẳng những tiếng nức nở, nghẹn ngào ở cuối dãy.

Semmelweis lảo đảo bước về phòng giải phẩu, ngồi bệt xuống một chiếc ghế, úp tay vào mặt khóc. Chàng vẫn biết dân chúng sợ tiểu khu thứ nhất. Chàng nhận rằng yêu cầu của họ có lý vì những kẻ đẻ rơi ở lề đường, bên bờ suối rồi vô nằm nhà thương thì không sao, còn hễ đẻ ở nhà thương thì mười người chết tới ba – bốn, có khi chết tới bảy – tám, cho nên chàng không thể nhẫn tâm lôi kéo họ về giường được. Nhưng làm một bác sĩ mà trông thấy bệnh nhân sợ mình như sợ hung thần thì có tủi nhục, đau lòng không chứ?

Một đồng nghiệp nắm cánh tay, lắc chàng:

– Buồn cho anh thật, anh Ignace. Ông Klein thế nào cũng biết và sẽ rầy anh. Nhưng thôi quên đi, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc nổi điên như vậy ở nhà thương.

Semmelweis ráng quên đi, vùi đầu vào việc học, ngày nào cũng mổ xẻ hai ba xác bệnh nhân chết vì sốt sản hậu (Fièvre puerpérale) vì hết thảy các sản phụ trong nhà thương đều mắc bệnh ấy mà qua đời.

Chàng quyết tâm tìm hiểu thật kỹ bệnh đó đọc hết các sách về nguyên nhân triệu chứng bệnh sản hậu và các phương pháp chữa. Chàng học tới thuộc lòng những tác phẩm chính. Nhưng không có tác giả nào chịu đồng ý kiến với nhau. Người ta kể ra tới 28 nguyên nhân, còn phương thuốc thì rất ít mà tuyệt nhiên không công hiệu. Chàng càng học, càng thấy hoang mang, nghi ngờ, muốn kiểm tra nguyên nhân thứ 29.

Một hôm, chàng đỡ đẻ cho một sản phụ khỏe mạnh, hồng hào, mẹ tròn, con vuông. Đứa nhỏ khóc lớn tiếng và nặng cân. Chàng tận tâm chăm sóc, an ủi người mẹ vì chồng chị ta đang bị giam. Qua một ngày rồi, nhiệt độ chị ta vẫn bình thường, chàng đã mừng.

Nhưng hôm sau, chàng để ý thấy mắt thiếu phụ sáng quá, má đỏ quá, chàng ngờ ngờ bèn lấy thủy, thủy lên ít thôi; đếm mạch, mạch bình thường.

– Cứ tĩnh dưỡng rồi ít bữa mới đi đứng được.

Miệng nói vậy mà lòng vẫn không yên.

Hôm sau nữa, thủy lên dữ, mạch nhanh mà yếu (120/phút). Chàng ra toa, cho uống muối Epsom, dặn cô điều dưỡng đừng để chị ta bón. Bệnh nhân kêu nhức đầu, đau lưng, có hồi lạnh run, ngủ không được.

Bác sĩ Breit cùng trông nom khu đó với chàng bảo:

– Chị ta mạnh như trâu, không sao đâu. Thủy lên xuống như vậy là thường.

Buổi chiều hôm đó, bụng thiếu phụ đã bắt đầu cương lên, ấn vào thấy đau. Semmelweis cho uống thêm 20 giọt nước nha phiến.

Sáng hôm sau, bệnh nhân kêu đau bụng dữ, đau ran lên tới mỏ ác, vẫn chóng mặt, nhức đầu. Chiều bệnh hơi giảm, tối ngủ được.

Ngày thứ năm, bệnh nhân vui vẻ, nói là bớt nhiều, mạch lớn, đều, 100/phút, lưỡi hơi xám nhưng không đóng. Chàng yên tâm, vẫn cho uống muối Epsom và xoa dầu vào bụng.

Thình lình, 2 giờ chiều, nữ khán hộ hốt hoảng kiếm chàng. Bệnh nhân rên là vì bụng đau dữ dội, nhiệt độ lên, mửa, lưỡi đóng, mạch lên 160. Đúng là triệu chứng sốt sản hậu.

Tối, mạch yếu hơn, sốt tăng, nhức lưng, vai, ngực.

Sáng ngày thứ sáu, bệnh nhân hổn hển hỏi:

– Thưa bác sĩ, tôi có sống được không? Tôi có thể thấy mặt chồng con tôi được không?

– Đừng nghĩ bậy, không sao đâu, tôi sẽ trị hết.

Lưỡi khô, môi nứt, mạch đã chạy loạn, đếm không được, nàng nói lảm nhảm:

– Ồ! Đẹp quá! Nó bay, nó lượn kia. Kính chào bác sĩ … A! Cái xe của con tôi này … Mình coi kìa!

Semmelweis ở luôn bên cạnh, thỉnh thoảng lại coi mạch. Mạch như trốn lần lần. Thiếu phụ tắt thở. Nước da nàng mấy hôm trước hồng hào, bây giờ đã nhợt nhạt.

Hai bữa sau, đứa con của nàng chết theo, cũng do cái bệnh sốt của mẹ. Hôm đứa nhỏ chết, trong phòng có năm người nữa chết và mười một người đương ngoắc ngoải.

Run rẩy, chàng gõ cửa phòng bác sĩ Klein. Klein ngạc nhiên ngước mắt lên hỏi:

– Có chuyện gì vậy, gấp không?

– Thưa ông giám đốc, chúng ta phải làm cái gì mới được. Không thể kéo dài như vậy!

– Bình tĩnh lại đi nào!

– Thưa, vẫn bệnh sốt ấy, bệnh sốt sản hậu tai hại ấy! Chết hết người này đến người khác, mỗi ngày chết một nhiều, phải làm sao chứ? Phải kiếm cách trị cho được cái bệnh ấy.

– Bác sĩ lầm rồi, lầm lớn rồi! Này, tôi hỏi bác sĩ: Nguyên nhân bệnh ấy ở đâu?

– Thưa ông giám đốc, tất cả các nguyên nhân ư? Nhiều lắm mà không biết nguyên nhân nào đúng. Người ta bảo tại sữa lúc đó lên nên hành sản phụ như vậy.

– Phải.

– Có người lại bảo tại khí độc.

– Phải.

– Có người lại cho bệnh sốt đó do bao tử và gan hoặc do ruột. Một thuyết nữa đổ lỗi cho đàn bà không biết kiêng cử khi có thai. Có kẻ lại bảo tại bị lạnh, tại thời tiết, do cảm xúc …

– Thôi đủ rồi. Sách thuốc của Lucas Bauer bảo là tại sữa lên, và tôi cũng đã dạy như vậy. Ta tin thuyết đó, còn phương thuốc?

– Thưa, chưa có phương nào hiệu nghiệm ạ.

– Rất đúng. Từ nay bác sĩ nhớ kỹ bệnh sốt sản hậu là tại sữa lên mà loài người chưa tìm được phương trị. Mà sau này, loài ngưuời cũng không thể nào tìm được phương trị. Nhớ rồi chứ? Thế thì chúng ta đành vậy.

– Nhưng thưa ông giám đốc, họ chết hoài, chết như rạ.

– A! Nếu bác sĩ ngại thấy họ chết thì có thể chọn nghề khác. Tôi đã dặn bác sĩ rồi mà: Có muốn lại hỏi tôi điều gì thì phải đợi lúc từ 1 – 3 giờ rưỡi, mà bây giờ – Ông ta cúi xuống ngó đồng hồ – Mới có 11 giờ 10.

– Tôi xin lỗi ông giám đốc.

– Lần này thì tôi bỏ qua cho. Từ trước tới nay, bác sĩ tỏ vẻ siêng năng, hoạt động … Thôi, về phòng đi. Nhân tiện, tôi cho bác sĩ hay một điều: Khi lập ra khu hộ sinh này, Hoàng thượng có ra lệnh:

”Cứ theo đúng đường lối cũ vì cái gì cũ cũng đã được thí nghiệm là tốt rồi. Tổ tiên ta đã cho là tốt thì tại sao chúng ta lại không cho là tốt? Đừng tin những ý mới. Trẫm không cần dùng những nhà bác học. Trẫm chỉ cần bề tôi trung tín. Kẻ nào muốn thờ trẫm thì phải theo lệnh trẫm. Kẻ nào không theo lệnh trẫm mà óc đầy ý mới thì quy điền viên đi. Nếu họ không tự xin về thì trẫm sẽ đuổi họ về.”

– Sao? Hiểu chưa bác sĩ Semmelweis?

– Dạ.

– Thôi, bác sĩ đi ra.

Rồi Klein cúi xuống đọc nốt bản báo cáo, cộng lại số sản phụ bị chết vì sốt sản hậu. Tháng trước chỉ có 21%, tháng này có tăng lên nhiều thật, nhưng có tháng xuống, rút cục đến cuối năm thì đâu cũng vào đó.

Trong lúc ấy thì Semmelweis hầm hầm tiến về phòng giải phẩu, uất hận trào lên tới họng. Tương lai chàng ra sao, ta có thể thấy từ giây phút đó.

o0o


Ta nên nhớ, thời ấy dân chúng Châu Âu đang xao xuyến vì những tư tưởng Cách mạng. Người già còn nhớ cuộc Cách mạng năm 1789 ở Pháp, người trẻ thì thấy cuộc Cách mạng năm 1830. Năm Semmelweis tập sự ở khu hộ sinh là năm 1845, trước cuộc Cách mạng 1848 có 3 năm. Cho nên các vua chúa Châu Âu rất sợ những tư tưởng mới, bất kỳ trong lĩng vực hoạt động nào. Không tuân lệnh thì khó yên mà tuân lệnh Klein thì làm sao tránh được tội với lương tâm của mình, với hàng ngàn sản phụ và hàng ngàn hài nhi mà tính mệnh giao phó cả vào tay mình?

Semmelweis nắm chặt tay lại, nghiến răng:

– Không thể như vậy được. Ta chịu làm một tên sát nhân sao? Cái khu hộ sinh này thành một cái lò sát sinh sao? Nhất định phải tìm được cách trị bệnh sốt sản hậu.

Một hôm, chàng nhớ ra rằng từ trước tới nay, tiểu khu II và III năm nào số người chết cũng chỉ bằng một phần ba số người chết ở tiểu khu I. Thấy lóe lên một ánh sáng, chàng vội vàng lại nhà bác sĩ Bartsch để hỏi.

Bartsch đã sửa soạn đi ngủ, tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Có gì gấp vậy? Để đến mai được không?

– Không. Quan trọng lắm. Đây, xin ông coi. Tôi đã ghi lại đây từ năm 1841 đến năm 1846, ở tiểu khu của tôi có 1989 sản phụ chết, còn ở tiểu khu của ông có 691 sản phụ chết.

– Tôi biết rồi, từ xưa nay vẫn vậy, tôi không hiểu tại sao. Chúng tôi săn sóc sản phụ cũng y như bên ông, không khác gì cả. Thật là bí mật … Có lần tôi đã nghĩ đến điều này: Ở bên tôi chỉ có cô đỡ giúp việc, chứ không có sinh viên như bên ông. Đàn ông thì bao giờ cũng manh tay, tay họ lớn. Có lẽ tại vậy chăng? Tôi không dám chắc. Nhưng ông đừng tuyên bố điều đó với ai nhé. Sợ mất lòng người khác.

Semmelweis ra về, bất mãn vì lời giảng đó. Tại sao bên họ chết ít như vậy? Cùng chung một mái nhà, cùng chung một lối trị … À, hay là tại sản phụ sợ? Tiểu khu II ở cuối dãy, khi sắp có người chết, thì vị mục sư đi ngang qua hành lang tiểu khu I rồi mới tới tiểu khu II và vừa đi, vừa rung chuông. Có lẽ vậy … Chàng nhớ vẻ mặt kinh khủng của những bệnh nhân mỗi khi nghe tiếng chuông leng keng. Mà mỗi ngày phải nghe 5 – 6 lần, có khi 10 – 20 lần. Đúng rồi! Họ sợ nên dễ chết.

Sáng hôm sau, chàng để ý ngóng vị mục sư, vừa thấy bóng ở xa đã chạy lại thưa:

– Tôi muốn xin cha một điều.

– Bác sĩ cứ nói.

– Thưa cha, có cần phải rung chuông như vậy không ạ?

– Nghi thức từ xưa vẫn vậy.

– Có nhất định phải theo nghi thức đó không?

– Tại sao lại bỏ đi hả bác sĩ?

– Thưa cha, tôi nhận thấy sản phụ nghe thấy tiếng chuông là kinh khủng, nhắm mắt lại, có kẻ run lên. Mà tôi ngờ rằng vì họ sợ quá mà họ chết ở tiểu khu này nhiều như vậy. Nên tôi yêu cầu cha vì lòng nhân, đừng rung chuông nữa, cứ lẳng lặng đi, thưa, có được không ạ?

Suy nghĩ một chút, mục sư đáp:

– Nếu bác sĩ cho rằng có lợi thì tôi cũng chìu ý.

– Đa tạ cha!

Hay tin đó, Klein gọi Semmelweis vào phòng để rầy. Chàng hăng hái giảng giải. Klein ngắt lời:

– Tôi đã bảo thầy rằng bệnh sốt sản hậu do sữa lên và vô phương trị kia mà. Tôi cảnh cáo lần này là lần thứ nhì.

Nhưng Klein quên không ra lệnh cho mục sư cứ rung chuông như trước, thành thử thí nghiệm của Semmelweis vẫn tiếp tục. Tới cuối tháng, kết quả vẫn như cũ, có phần tệ hơn. Không, không phải là họ sợ tiếng chuông. Nhưng lạ quá, họ chết nhiều là vậy, ít nhất cũng 30%, nhưng báo cáo của dưỡng đường chỉ có 3,22%. Thì ra Klein đã sửa con số để nhà cầm quyền không phái ủy ban lại điều tra.

o0o


Mặc dù vậy, Klein cũng chỉ dấu nhẹm được trong một thời gian thôi, vì số người chết nhiều quá, đồn tới tai các cụ lớn, các cụ sợ mang tiếng phải cho mở một cuộc điều tra lấy lệ.

Ta còn lạ gì cái thói điều tra lấy lệ để bịt miệng dân chúng đó. Ủy ban điều tra không có Skoda, Rokitansky, cũng không có cả Semmelweis mà chỉ gồm một bọn bồ bịch của Klein, chẳng biết chút gì cề bệnh sốt sản hậu cả. Họ đi một lượt qua các tiểu khu rồi vào phòng giấy của Klein uống rượu, hút thuốc, nghe Klein giảng giải. Khi thảo bản phúc trình, họ chép đúng lời trình bày của Klein, tuyên bố rằng tiểu khu I chết nhiều hơn tiểu khu II vì các sinh viên không nhẹ tay đỡ đẻ như các cô đỡ ở tiểu khu II. Họ đổ lỗi cho các sinh viên ngoại quốc để sinh viên Áo không phản kháng họ. Và người ta đuổi luôn một lúc 22 sinh viên ngoại quốc. Klein lại bình chân như vại, các sản phụ vẫn chết oan vì sau khi sinh viên ngoại quốc đi rồi, bệnh dịch giảm được một chút rồi lại hoành hành như cũ.

o0o


Hết niên khóa đó, Semmelweis đậu bằng cấp giải phẩu, nhưng năm sau mới được thăng chứ đệ nhất phụ tá ở tiểu khu I, dưới quyền trực tiếp của Klein. Lúc này, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về mình rồi, chàng càng thấy rõ bổn phận phải trị được bệnh đó.

Thật lạ lùng, gọi là bệnh sản hậu mà sao có những phụ nữ không sinh sản cũng chết vì bệnh đó, cả con nít cũng mắc, có khi cả đàn ông cũng mắc, như vậy là đâu phải tại sữa lên như Klein đã nói? Mà cũng không phải tại các sinh viên làm mạnh tay quá, thực là oan uổng cho họ.

Chàng đọc lại một lần nữa hết những thuyết về nguyên nhân của bệnh, vẫn không thỏa mãn và chàng ngờ rằng các lý thuyết gia đều lầm triệu chứng với nguyên nhân. Chẳng hạn thấy bụng bệnh nhân sưng lên thì cho rằng bao tử, mật sinh mà sinh ra sốt sản hậu. Thấy trong huyết có nhiều chất độc thì cho rằng tại huyết hư nên sinh ra sốt sản hậu …

Semmelweis tìm đọc cả những sách Anh viết về bệnh đó nữa. Thời ấy ở Anh, số người chết vì bệnh sản hậu tương đối ít hơn những nước khác và một số y sĩ Anh đã gần đoán được nguyên nhân của bệnh. Chẳng hạn Alexander Godon, năm 1795 đã viết đại ý rằng:

Tôi có chứng cớ chắc chắn rằng nguyên nhân của bệnh là do lây mà bị nhiễm độc. Khi các y sĩ, cô đỡ và nữ điều dưỡng săn sóc cho những người bị bệnh, họ truyền một “không khí lây bệnh” cho những người mạnh.

Và Gordon khuyên phải đốt hết quần áo, mền nệm của người bệnh. Còn những người săn sóc bệnh nhân thì phải tắm rửa kỹ và thay quần áo trước khi đi thăm khám một bệnh nhân khác.

Năm 1829, một y sĩ Anh khác là Robert Collins dùng những thuốc sát trùng để tẩy uế phòng bệnh nhân, còn quần áo của họ thì bỏ vào một lò không khí nóng tới 120 – 130 độ, nhờ vậy mà ông chận được bệnh sốt sản hậu trong dưỡng đường Dublin.

Các y sĩ Anh đã gần tìm ra cách trị, nhưng vẫn không biết nguyên nhân gây ra bệnh. Những chữ “Không khí lây bệnh” trừu tượng quá, không giảng được gì cả. Bảo là do không khí lây bệnh thì ở tiểu khu II, mỗi khi có người mắc bệnh sao không lây hết phòng, lây nhiều như ở tiểu khu I?

Semmelweis rất thắc mắc về việc đó. Chàng tự hỏi hoài: Tiểu khu II bao giờ cũng chết ít hơn tiểu khu I là tại sao?

Rồi chàng kê ra hết những điểm khác nhau của hai tiểu khu để loại từng điểm một và ráng tìm xem điểm nào là nguyên nhân của hiện tượng?
Không phải là tại sản phụ ở tiểu khu I nghe tiếng chuông của mục sư mà phát bệnh, thế thì tại cái gì? Các phòng có khác hướng nhau không? Chất vôi và các thứ gỗ xây cất có khác nhau không? Hay tại các tòa nhà xung quanh tiểu khu II cản hơi độc? Vô lý! Càng suy nghĩ, chàng càng rối trí, hoang mang.

Bỗng một hôm, chàng tìm ra được một dị điểm: Ở tiểu khu I khi đỡ đẻ, người ta cho sản phụ nằm ngửa, còn ở tiểu khu II người ta cho họ nằm nghiêng. Hay là tại vậy chăng? Thử thí nghiệm xem. Chàng ra lệnh cho các sinh viên và các cô đỡ làm theo như tiểu khu II. Và chàng phải ngày đêm giám sát họ thi hành đúng chỉ thị vì nếu chàng quay lưng đi là họ lại làm theo lối cũ.

Nhưng rồi cũng chẳng có kết quả gì cả. Chàng phải bỏ lệnh đó và tìm một giả thuyết khác. Chàng không nản lòng vì biết rằng càng loại được nhiều dị điểm thì càng tới gần mục đích.

Chàng bàn với bác sĩ Skoda cho điều tra những sản phụ sanh ở lề đường, ở bờ suối chết là bao nhiêu để làm thống kê. Klein phản đối kịch liệt, vận động với viên Thượng thư bộ Quốc gia giáo dục cấm ngặt chuyện đó. Có kẻ hỏi ông: “Tại sao tiểu khu II chết ít hơn tiểu khu I?”. Ông chỉ đáp:

– Chết cũng như nhau. Khi nào tiểu khu I chết nhiều hơn thì tất cũng có những lý do chính đáng.

Semmelweis bị Klein ghét, ít lâu sau bị giáng xuống làm phụ tá thứ nhì. Lại nhằm lúc thân phụ chàng mất, chàng chán nản, xin nghỉ về quê nhà ít lâu. Qua năm 1847 rời Vienne nửa tháng. Khi trở lại Vienne thì hay tin một đồng nghiệp của chàng là Kolletschka mới từ trần.

Kolletschka là một bác sĩ nhũn nhặn, tận tâm, hiền lành, mới 43 tuổi và được toàn thể học trò và bạn bè kính mến. Trong một giờ giải phẩu, một sinh viên thực hành vụng về, ông vội vàng thò tay để ngăn lại, không dè lưỡi dao của sinh viên đưa mạnh quá, chạm vào đầu ngón tay của ông: Vết thương rất nhẹ, chỉ chảy vài giọt máu. Ông vẫn tiếp tục giảng bài. Hôm sau, thấy ngây ngất, bệnh mỗi ngày một tăng, được bảy bữa thì chết. Bị nhiễm độc của tử thi!

Semmelweis làm việc trở lại. Các bạn thân của chàng đã vận động cho chàng giữ chức cũ: Đệ nhất phụ tá. Nhưng chàng vẫn không vui vì cái tang cha và vì trong đầu cứ lởn vởn những câu hỏi:

“Tại sao tiểu khu I luôn chết gấp ba lần tiểu khu II? tại sao có tháng tăng lên, chết gấp 10 lần so với tiểu khu II? Những thiếu phụ khỏe mạnh, hồng hào mà đẻ xong ít ngày là sốt rồi chết, chết từng loạt là tại sao?”

o0o


Một đêm, không ngủ được, chàng đi thăm một Kolletschka, đột nhiên nảy ra ý coi hồ sơ về cái chết của bạn. Hồ sơ ghi:

Hệ thống lâm ba sưng rất nặng ở phần trên.
Tĩnh mạch cũng sưng.
Phổi sưng.
Tim sưng.
Bụng sưng.
Màng óc sưng. Tất cả những bộ phận đó đều có mủ máu như rửa, rất hôi thối. Mắt bên trái cũng vậy.”

Đủ hết, đủ hết các triệu chứng của bệnh sốt sản hậu. Một ánh sáng rực rỡ lóe lên trong óc của Semmelweis. Chàng đọc đi, đọc lại hồ sơ, nhớ lại thi thể của một sản phụ chết vì sốt sản hậu mà chàng mới mổ hồi sáng. Đúng, chỉ một điều là Kolletschka không có tử cung, nếu có thì tất tử cung cũng phải sưng. Chàng lại nghĩ tới những hài nhi sanh ra được năm sáu ngày rồi chết vì sốt. Thi thể của chúng mổ ra, cũng y như thi thể của mẹ chúng, y như của Kolletschka. Tất phải cùng do một nguyên nhân. Chàng tìm thấy nguyên nhân đó rồi: Nhiễm độc tử thi(°)

o0o


Kolletschka bị nhiễm những chất độc tử thi ở lưỡi dao, những chất đó vào máu rồi phá phách cơ thể. Những sản phụ mắc bệnh là do những bàn tay của sinh viên và y sĩ đem lại trong khi đỡ đẻ cho họ. Chàng rùng mình. Các hài nhi tử vong cũng vì do những bàn tay sát nhân đó chăm sóc. Những bàn tay nhơ nhớp mủ và máu mà khám xét những thân thể khỏe mạnh. Chàng đã giết biết bao mạng người? Các bạn đồng nghiệp, các sinh viên trong Đại dưỡng đường Vienne này đã giết mấy vạn, mấy ức người rồi? Ở khắp Châu Âu, người ta đã giết mấy chục triệu người rồi từ khi đặt ra cái lệ giải phẩu tử thi? Nhất là tội của chàng không sao tha thứ được, chàng đã giết nhiều mạng người hơn các bạn đồng nghiệp vì chàng giải phẩu tử thi nhiều hơn họ, do đó, truyền bệnh ra nhiều hơn họ. Ừ, rất đúng. Bây giờ thì thấy tỏ như ban ngày: Tiểu khu II chết ít vì do các cô đỡ săn sóc, mà các cô này không giải phẩu tử thi, tay không dính độc tử thi. Các sản phụ sanh ở ngoài rồi mới vô nằm dưỡng đường, sở dĩ ít bị bệnh sốt sản hậu là do ít bị các sinh viên khám bệnh. Rồi chàng sung sướng nhảy nhót vì đã kiếm được một phương cứu đời. Rất giản dị: Chỉ cần rửa tay thật kỹ trước khi khám bệnh là trị được bệnh sốt sản hậu. Chàng lại ngay bàn giấy, ghi cảm tưởng của mình lên giấy. Năm đó là năm 1847, chàng 29 tuổi.

o0o


Mới hửng sáng hôm sau, Semmelweis đã tới nhà thương, vẻ mặt hớn hở. Chàng muốn chạy khắp các phòng, lay các sản phụ, hô lớn lên:

– Từ nay các bà yên tâm. Không còn lo bị bệnh sốt sản hậu nữa. Hết rồi, hết hẳn.

Khi các sinh viên tới đủ, chàng nhóm họ lại, cảm động quá, không biết mở đầu ra sao. Mắt chàng rưng rưng. Đột nhiên chàng mở lời:

– Chúng ta sẽ trị được bệnh sốt sản hậu. Tôi đã kiếm được cách. Các ông biết đấy chứ, bác sĩ Kolletschka chết vì nhiễm độc tử thi. Triệu chứng của ông y như triệu chứng bệnh sốt sản hậu. Tôi đã đọc kỹ hồ sơ … Chính chúng ta là kẻ sát nhân. Từ nay, chúng ta phải rửa tay cho sạch.

Mọi người ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả, tỏ vẻ lạnh lùng.

– Các ông nghe rõ chưa? Từ nay, các ông, các cô và tôi, bất kỳ ai trong tiểu khu này cũng phải rửa tay thật kỹ trước khi khám bệnh.

– Tại sao vậy bác sĩ?

– Tại tay chúng ta dơ, dính độc tử thi rồi truyền độc đó vào cơ thể sản phụ, cho nên chúng ta phải rửa tay cho hết những độc đó đi. Nào, bây giờ chúng ta đi rửa tay.

Có kẻ khúc khích cười, có kẻ bĩu môi, có kẻ nhún vai. Nhưng rồi người ta cũng đi rửa tay.

– Các ông đưa tay tôi khám.

A! Thế này thì quá lố rồi. Người ta là sinh viên, chứ đâu phải con nít nữa mà khám xem tay có sạch không?

– Xin lỗi bác sĩ, thuyết của bác sĩ có chắc đúng không đã, hay bác sĩ chỉ muốn làm nhục chúng tôi thôi? Chúng tôi đâu phải là em nhỏ?

Semmelweis nổi giận la:

– Các thầy còn nghi ngờ hả? Thì cứ theo lời tôi xem có trị được bệnh sốt sản hậu không. Rửa tay mà là nhục ư? Hay các thầy muốn tiếp tục giết người? Tôi chỉ đòi một điều rất dễ là rửa tay để cứu hàng vạn, hàng ức nhân mạng mà các thầy không chịu nghe. Làm biếng. Cái đó mới là nhục. Tôi có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của sản phụ và hài nhi trong tiểu khu này. Nếu các thầy không muốn tuân lệnh tôi thì các thầy có quyền đi ra. Còn như muốn ở lại đây thì nhất định phải rửa tay.

Trong y học, một kỹ nguyên mới xuất hiện, kỹ nguyên phòng độc. Cuộc đời gian truân của Semmelweis cũng bắt đầu, một phần vì buổi sáng hôm đó, ông đã vụng về, nóng nảy quá làm mất cảm tình của những người giúp việc ông và những người này sẽ phá công việc của ông.

***


Sáng hôm sau, bác sĩ Klein vô khám phòng. Semmelweis chạy ra ngăn ông ở cửa phòng, chỉ thau nước. Klein ngạc nhiên hỏi:

– Để làm gì vậy?

– Thưa ông giám đốc, để ông rửa tay ạ.

– Bác sĩ điên ư?

– Thưa ông giám đốc, tôi đã tìm ra nguyên nhân bệnh sốt sản hậu. Cách trị rất giản dị: Chỉ cần rửa tay thôi.

– Tôi đã bảo có muốn thay đổi thủ tục nào thì phải xin phép tôi mà

– Thưa ông giám đốc, tôi đã gởi tờ phúc bẩm lên ông rồi ạ.

– Nhưng tôi chưa cho phép mà sao đã tự tiện thi hành? Ai lãnh trách nhiệm ở dưỡng đường này? Thầy hay tôi?

– Thưa ông giám đốc, công việc rửa tay không làm cho các sản phụ chết được mà tôi còn tin rằng nhờ nó, họ sẽ sống. Tôi đã thưa rõ trong tờ phúc bẩm rồi ạ.

– Có, tôi đã đọc. Thôi tránh đường cho tôi đi khám.

– Thưa bác sĩ, tôi nhất định không để ngài khám bệnh nhân nếu ngài không chịu rửa tay. Tôi làm vậy không phải vì tôi đâu mà vì sinh mạng của sản phụ và hài nhi.

Klein tái mặt đi nhưng rồi cũng cúi xuống rửa tay.

– Xin ngài rửa thật kỹ cho!

Chàng lại vụng về một lần nữa, gây oán với Klein.

o0o


Kết quả số chết giảm trông thấy. Hai tuần lễ sau, Semmelweis lại chơi chỗ Skoda và Rokitansky. Hai bác sĩ này khuyến khích chàng, nhưng bảo phải tiếp tục thí nghiệm lâu nữa, mới nửa tháng chưa thể kết luận được.

Tới cuối tháng 5 năm 1847, số tử ở tiểu khu I hạ từ 18,26% xuống còn 12,24%. Semmelweis vui mừng, nhưng chưa mãn nguyện, nghĩ rằng xà bông và nước lạnh chưa đủ để khử độc. Nhớ lại bài học về chất chlore, mà giáo sư cũ của chàng đã cho là chất mạnh nhất để trừ bệnh truyền nhiễm và khử hơi độc. Chàng bèn xin nước Chlorina, rồi bắt các sinh viên, các cô đỡ rửa tay thật kỹ bằng xà bông, xong lại rửa lần nữa bằng nước Chlorina. Chàng gí mũi vào sát bàn tay họ để hít xem còn mùi hôi thối của tử thi không, coi từng ngón tay một xem còn dính chất dơ nào trong kẽ không, luôn luôn nhắc họ:

– Nhớ rửa tay hai lần trước khi đi khám bệnh.

Kết quả lần này không còn nghi ngờ gì nữa. Cuối tháng sáu, số người chết ở tiểu khu I hạ từ 12,24% xuống còn 2,28%. Độc giả mừng cho chàng phương pháp đã thành công và sẽ được truyền bá khắp Châu Âu? Nhưng tôi đã nói, làm việc thiện đâu phải dễ như vậy. Nếu dễ thì hôm nay, tôi đã không chép lại câu chuyện này.

Trong lịch sử Y học, chưa có một phát kiến nào lớn mà được người đương thời chấp nhận ngay; luôn luôn có những người nghi ngờ, chỉ trích. Như vậy thì có lợi là tránh được những giả thuyết không vững, nhưng cũng có hại là nhiều nhân mạng bị hy sinh quá.

o0o


Thời nào cũng có hạng người chỉ theo đuổi mỗi mục đích là cầu cạnh cho được địa vị. Và một khi được thì cố bám lấy nó. Càng bất tài thì lại càng bám chặt, đến nổi có mắt cũng như đui, không trông thấy sự thực, hoặc có thấy cũng tìm cách che mắt người trên, dù hành động đó làm hại hàng vạn, hàng ức nhân mạng cũng mặc. Phần đông những kẻ đó được sống sang trọng trên xương máu đồng bào cho đến khi chết. Nhờ khéo luồn cúi, nâng chiều nào, che chiều ấy, một số ít bị “Hạ bệ”, nhưng khi lui về vườn, họ vẫn ung dung, sung sướng với vợ con ở nước ngoài hoặc ở ngay trong nước, vì có ai bắt họ chịu trách nhiệm vì hành động của họ đâu? Vấn đề trách nhiệm là vấn đề quan trọng số một của nhân loại. Không giải quyết được nó, hễ còn những kẻ có thể làm hại cả triệu người khác thì nhân loại không thể nào có hạnh phúc được, không thể gọi là văn minh được. Phải đào tạo một hạng người có tài, có đức, liêm khiết, chính đại, sáng suốt và nhân từ, phải giao cho họ đủ quyền hành kiểm soát hành động của những người có thể làm hại dân được, thì nhân loại mới đỡ khổ. Nhưng người ta chỉ đào tạo được những thạc sĩ, những nhà bác học, chứ có trường nào đào tạo được con người có đức. Cho nên những kẻ như Klein, nhan nhãn khắp nơi, kéo bè, kéo đảng để làm hại đồng bào.

Tại Đại dưỡng đường Vienne, hồi đó đã chia làm hai phe: Phe Bảo Thủ (Đúng hơn là phe bợ đỡ) cùng Klein mà chủ trương là củng cố địa vị. Phe Đối Lập là phe Skoda gồm Rokitansky, Hebra (Chủ bút một tạp chí Y học) và Semmelweis (Có óc cấp tiến, muốn cải thiện phương pháp chẩn mạch, trị bệnh).

Klein thấy kết quả của Semmelweis, sợ địa vị của mình sẽ lung lay, bắt đầu tấn công với sức kiên nhẫn của một con mọt và tánh nham hiểm của một con cáo. Hắn lại thù Semmelweis bắt hắn phải rửa tay nên ra lệnh cấm dùng nước Chlorina, lấy lẽ rằng đắt tiền quá, quỹ sẽ bị thâm hụt.

Semmelweis phải tra cứu những sách hóa học, chế tạo thứ thuốc khử độc rất rẻ tiền là nước vôi pha với Chlore (Chaux Chlorurée). Kết quả rất khả quan. Tháng bảy, số người chết chỉ còn có 1,2%.

Nhưng tháng tám, số đó tăng lên một chút: 1,89%, rồi bỗng nhiên tăng vọt: 5,25%.

Semmelweis lo lắng, cố tìm ra nguyên nhân, bắt được tại trận một sinh viên làm biếng, không chịu rửa tay. Ông đuổi ra ngay khỏi nhà thương rồi suốt ngày đêm kiểm soát từng ly, từng tý. Số tử lại bớt đi, rồi lại tăng. Trong số 12 người bệnh, có 11 người chết.

Lại điều tra, dò xét: Tại một con bệnh làm lây qua những con bệnh khác. Như vậy rửa tay trước khi vô phòng khám bệnh cũng chưa đủ mà phải rửa tay sau mỗi lần khám cho một bệnh nhân. Không phải chỉ cái độc của tử thi, mà cả cái độc của người còn sống nhưng mang bệnh cũng đủ sinh ra sốt sản hậu. Ông bèn ra lệnh, mỗi lần khám một bệnh nhân, phải rửa tay. Kết quả không ngờ: Tháng sau, không có một người nào chết cả.

Ba bạn thân của ông là Skoda, Rokitansky và Hebra mới hoàn toàn tin, rủ nhau lên báo cáo cho Klein.

Klein sợ sệt, lúng túng, nhìn bảng thống kê bảo:

– Tin gì được những con số? Người ta bắt nó nói gì chẳng được? Lúc này hết thời bị dịch rồi, chứ có gì đâu?

Skoda viết một bài tường thuật đăng vô tờ báo của hội Y Học Vienne. Các sinh viên thân tín của ông và của Semmelweis gởi báo cùng 12 bức thư đi khắp nơi ở trong nước và ngoài nước: Qua Anh, lên Na Uy, lại Kiel, nơi mà số tử vong lên tới 75%, lại Bá Linh, mà cứ ba sản phụ, có hai người chết, sang Ý, Nga, Hòa Lan, Pháp … . Rồi cả bọn đợi.

Một tháng sau mới nhận được một bức của bác sĩ Simson ở Luân Đôn, bảo rằng tính cách trừ độc của nước Chaux Chlorurée, ở bên Anh, người ta vẫn biết từ xưa, mà bệnh sốt sản hậu ai cũng biết là bệnh truyền nhiễm.

Semmelweis thất vọng: Người ta không đọc kỹ bài báo, không nhận thấy chỗ quan trọng là phải rửa tay để khử độc trước khi khám bệnh.

Năm 1848, Cách mạng nổi ở Áo, nhưng cũng không mang lại một sự thay đổi nào cả. Klein vẫn giữ chức cũ. Semmelweis tiếp tục thí nghiệm, lần này vào loài thỏ và kết quả là chín con thỏ khỏe mạnh bị ông chích mủ sốt sản hậu vào cơ thể thì cả chín con đều mắc bệnh và có bảy con chết, chỉ có hai con sống sót.

Thí nghiệm đó trình lên Hàn Lâm Viện khoa học Vienne, nhưng các ông Hàn bảo rằng nó không giá trị gì cả, chỉ có những thống kê ở dưỡng đường – Tức những thống kê của Klein – Mới đáng tin thôi!

Mãi đến tháng tư năm 1849, Skoda mới nhận được lời cám ơn đầu tiên của bác sĩ Michaelis ở Kiel, nơi mà người ta phải đóng cửa nhà hộ sinh vì bệnh sốt sản hậu giết nhiều người quá. Thư rằng:

“Khi tôi nhận được thư của ông thì tinh thần tôi đương chán nản ghê gớm. Nhà hộ sinh của chúng tôi phải đóng cửa từ ngày mùng một tháng bảy đến ngày mùng một tháng mười một. Rồi lại tiếp ba bệnh nhân, người thứ nhất chết, hai người sau, may mà cứu được. …Bài báo của ông làm cho tôi tin tưởng trở lại … Lần thứ nhất, tôi thấy có một chút hy vọng. Tức thì tôi áp dụng phương pháp khử độc bằng nước vôi pha Chlore. Và từ đó, không thấy một sản phụ nào mắc bệnh sốt sản hậu nữa, trừ mỗi một người trong tháng hai … Cho nên, tôi hết lòng cảm tạ ông … Ông đã giúp cho nhà hộ sinh của chúng tôi khỏi bị đóng cửa. Ông đã cứu được hàng trăm nhân mạng … Xin ông cho tôi gởi lời ngưỡng mộ và cám ơn bác sĩ Semmelweis … Khi tôi nghĩ đến những sản phụ mà chính tôi đã giết! …”

Skoda đưa thư cho Semmelweis coi, bảo:

– Rồi sẽ nhận những bức thư như vậy nữa ở khắp xứ. Phải đóng khung nó lại rồi đăng báo Y Học Vienne.

Ngay tối hôm đó, Semmelweis trả lời bác sĩ Michaelis, hy vọng ông này sẽ là một người truyền bá đắc lực phương pháp của mình. Nhưng trớ trêu thay! Bức thư không bao giờ tới tay Michaelis cả. Vì quá đau khổ, hối hận vì tội lỗi của mình, Michaelis đã đâm đầu vào xe lửa tự tử. Bác sĩ Litzmann lên thay ông ta, tức thì bỏ phương pháp phòng độc, cho là ngây thơ!

o0o


Trong lúc đó, ở Vienne, nhóm Skoda phấn khởi thảo một bản thỉnh nguyện xin cấp tốc triệu tập một ủy ban gồm các y sĩ để định giá trị của sự phát minh.

Đơn gởi lên triều đình. Klein phản công tức thì, báo động tất cả các giới thủ cựu và các giáo phái. Triều đình ra lệnh cho Thượng Thư bộ giáo dục bác bỏ đơn đó, lấy lẽ rằng:

”Vấn đề đó cũng đáng nghiên cứu, nhưng chưa phải lúc, vì năm nay không có dịch sốt sản hậu, không thể so sánh tình hình năm nay với tình hình các năm trước được. Mà khi nào cần điều tra thì chỉ có giáo sư Klein là được quyền điều tra thôi.”

Sự thực rành rành ra vậy, hễ khử độc thì sống, không khử độc thì chết mà người ta đổ cho thời tiết rồi lại cấm nhóm Semmelweis, Skoda điều tra nữa!
Klein còn hô hào mọi giới tấn công Skoda.

Các giáo phái la lên:

– Đồ Duy Vật! Bỏ tù hết ráo đi!

Và các bác sĩ cũng hùa theo:

– Hoàn toàn duy vật! Duy vật một cách ghê gớm!

Semmelweis bị cất chức phụ tá ở khu Hộ sinh. Bây giờ thì không còn nghe tiếng rên rỉ, tiếng khóc của các sản phụ, tiếng chuông rùng rợn của mục sư nữa. Nhìn những bà mẹ hồng hào, những em bé mủm mỉm, lòng ông bùi ngùi. Nhưng ông vừa quay lưng để ra cửa, thì có tiếng cười lanh lảnh của một cô đỡ:

– Ha ha, từ nay khỏi phải rửa tay, bác sĩ!

Đau đớn nhất là một sản phụ mà ông đã cứu được mạng,cong cớn lên, lớn tiếng:

– Chào bác sĩ nhé! Về Hung Gia Lợi đi! Ở đây, chúng tôi không cần đến ông. Đàn bà chúng tôi dơ dáy quá mà! Nên khám xong, bác sĩ phải rửa tay! Về Hung mà rửa tay rồi khám các sản phụ của mi!

Bây giờ ông mới thấy sự phản bội của những kẻ giúp việc cho ông. Tới cửa nhà thương, viên bác sĩ Carl Braun, thay chân ông, chìa ra một ve thuốc bảo:

– Ông còn bỏ quên cái này, bác sĩ!

Ông đỡ ve nước vôi pha Chlore mà lòng chua xót.

Skoda ráng vận động cho ông một chân giảng viên ở Đại học do chính phủ bổ nhiệm, nhưng lương bổng thì do các sinh viên chung nhau lại đài thọ. Ông miễn cưỡng nhận lời vì không muốn lãnh lương của các sinh viên hầu hết đều nghèo. Mọi việc thu xếp đã gần xong, nhưng khi danh sách giáo sư được niêm yết thì người ta không thấy tên ông. Tất có bàn tay bí mật của cáo già Klein nhúng vào.

Trong lúc đó, số tử thi ở khu hộ sinh tăng vọt lên 34% vì chỉ một số ít sinh viên vẫn giữ phương pháp khử độc, còn thì làm biếng không chịu rửa tay. Mà chỉ một bàn tay dơ khám khắp lượt bệnh nhân là đủ gieo cái chết khủng khiếp. Người ta đưa cái số đó cho Klein coi. Hắn tươi cười đáp:

– Đó, các ông thấy không? Tôi đã bảo rồi mà, phương pháp rửa tay có kết quả gì đâu? Nếu có kết quả, chỉ là làm cho tình trạng thêm nguy kịch mà thôi. Chà, tới trên một phần ba rồi!

Semmelweis nghe thấy mà đứt ruột.

Skoda, Rokitansky và Hebra lại vận động cho ông vô Hàn Lâm Viện Áo. Hay tin đó, Klein cho phao tin rằng ông đã phá thai nhiều sản phụ, rằng con Quỷ Semmelweis chẳng có lương tâm gì cả đối với phụ nữ.

Thế là khi danh sách các ông Hàn được công bố, người ta lại không thấy tên ông.

Skoda cũng kiên nhẫn không kém Klein. Ông để cho vụ đó nguôi nguôi, rồi một hôm, niềm nở, lễ phép vào thăm Klein:

– Kính chào ngài giám đốc, tôi lại xin ngài ban cho tôi một ân huệ!

– Cái gì vậy, bác sĩ? Tôi sẵn lòng lắm. Lúc nào tôi cũng vui vẻ giúp đỡ cựu sinh viên của tôi.

– Thưa ngài, tôi muốn thu thập tài liệu để … viết một bài ngăn ngắn.

– Chịu khó khảo cứu nhỉ?

– Dạ, có gì đâu ạ. Tôi xin ngài cho tôi dùng văn thư của tiểu khu I. Thưa, tôi sẽ không dám làm phiền ai hết đâu ạ. Tôi không mang về nhà mà tới phòng văn thư vào buổi tối, tìm kiếm lấy rồi ghi chép ít hàng thôi ạ.

– À! Ông muốn lục văn thư của tôi, cái đó thì không được.

– Thưa, tôi chỉ coi công văn thôi ạ.

– Công văn cũng không được.

– Thưa ngài giám đốc, công văn mà cũng không được ư?

– Tôi nói không là không.

– Thưa ngài, tôi xin coi để nghiên cứu khoa học mà?

– Thôi, tôi bận việc lắm, bác sĩ ra đi.

Nhưng nói rồi, Skoda cũng kiếm được một bản sao các công văn đó, viết một bài so sánh kết quả của phương pháp khử độc khi Semmelweis còn làm ở tiểu khu I với số chết kinh khủng khi người ta đuổi Semmelweis đi và bỏ phương pháp của ông.

Bài đó đọc ở Hàn Lâm Viện khoa học có tiếng vang lớn. Hàn Lâm Viện trợ cấp cho Semmelweis một số tiền để tiếp tục nghiên cứu, nhưng không được vô phòng hộ sinh, không được vô phòng giải phẩu thì nghiên cứu cách nào bây giờ? Tuy nhiên, đó cũng là một thắng lợi về tinh thần.

Klein tím gan lại, huy động ngay một số lang băm vô lương tâm, nhao nhao lên chưởi Semmelweis, viết bài mạt sát. Ông phải đăng đàn ở Hàn Lâm Viện vài lần nữa để bênh vực thuyết của mình. Phe Klein cho người tới phá, bảo:

– Thuyết Semmelweis có một nhược điểm lớn là giản dị quá. Vì nó giản dị quá cho nên nó không có giá trị.

– Thuyết Semmelweis duy vật. Mà duy vật là không có trời, là phạm thượng!

Và mặc dầu được làm hội viên Hàn Lâm Viện khoa học, mà tới khi Skoda vận động cho ông một lần nữa chức giảng viên thì người ta không gạt hẳn tên Ignace Philippe Semmelweis ra, nhưng chỉ bớt đi ba chữ.

Đó là khi ông Thượng thư Bộ Giáo dục ký nghị định bổ Semmelweis giữ chức: ”Giảng Viên được mổ xẻ tử thi và hình nộm để dạy sinh viên’. Nhưng khi nghị định được đăng trên công báo, không hiểu vì đâu mà mất đi ba chữ: “Tử Thi Và”. Như vậy còn dạy cái gì nữa? Sinh viên nào chịu đóng tiền cho một giảng viên để học cách mổ xẻ hình nộm!

Chán nản, Semmelweis từ biệt các bạn thân về Hung Gia Lợi, quê hương của ông. Đất Vienne này bạc bẻo, nhỏ mọn lắm, ông không thể ở lại thêm một ngày nào nữa được. Nhất định phải đi! Các bạn thân can ngăn ông, bảo: ”Chịu khó kiên nhẫn đợi, thua keo này, bày keo khac”, ông chỉ lắc đầu. Hết muốn chiến đấu rồi!

Bác sĩ Kenneth Walker, tác giả cuốn La grande aventure de la Médecine (NXB Gérard et Cie), phê bình ông như vầy:

“Semmelweis không có những thiên tư cần thiết cho một nhà cải cách”.

Frank G. Slaughter trong cuốn Cet inconnu …Semmelweis, cũng chê ông là vội vàng bỏ cuộc; giá cứ nhận ghế giảng viên đó mà đợi thời thì các bạn bè của ông thế nào cũng còn giúp ông được và ông sẽ thành công mau hơn.
Những lời trách đó đều đúng cả. Ông là một nhà bác học có lòng nhân đạo chứ không có tinh thần chiến đấu. Ông đau khổ thấy hàng vạn sản phụ và hài nhi chết mỗi năm ở trước mắt mình, biết cách trị mà phải bó tay nên đi tìm một nơi khác người ta biết dùng mình chứ không chịu nổi cái không khí cải vả nhau, hại ngầm nhau như cái không khí đê tiện ở Vienne nữa. Ông đã chịu thua Klein. Các sản phụ và hài nhi ở Vienne, từ nay lại tiếp tục chết như rạ vì vị cứu tinh của họ đã phải gạt lệ mà xa họ.

o0o


Về tổ quốc, ông gặp bạn thân cũ là Markussovsky, được giới thiệu vào nhà hộ sinh Saint Roch của tỉnh Pesth. Nhà hộ sinh này rất nhỏ, chỉ bằng một phần mười khu hộ sinh Vienne, cả năm chỉ tiếp nhận chừng một – hai trăm sản phụ. Viên giám đốc là bác sĩ Birly, hiền lành nhưng óc hẹp hòi. Mặc dầu đã đọc thuyết của ông, nhưng tuyệt nhiên không tin, cho rằng chỉ có mỗi một cách hiệu nghiệm để trị chứng sốt sản hậu là bắt sản phụ xổ mỗi ngày.
Cuối tháng đầu, Semmelweis làm cho số tử trụt từ 13% xuống 0,46%. Birly trông con số ấy, tươi cười nói:

– Đó, tôi nói có đúng không? Từ khi ông mới tới, tôi đã dặn ông cứ cho họ xổ mỗi ngày là họ mạnh. Cám ơn ông, những sản phụ của nhà thương chúng ta được xổ kỹ nhất ở khắp nước.

Được cái Birly không hề cản trở, ghen ghét ông, có lần lại còn tỏ lòng thương hại nữa:

– Bác sĩ tận tâm quá, sao mà lao lực suốt ngày đêm, coi bệnh nhân như là ruột thịt của bác sĩ vậy?

– Thưa ông giám đốc, tôi không có gia đình nên coi họ như là người thân vậy.

– Thật họ có phước mới gặp được bác sĩ. Nhưng bác sĩ nhớ đấy nhé. Cho xổ mỗi ngày đi. Cứ cho xổ đi, cho xổ hoài đi, sẽ không có một người nào chết nữa, 0,46%, tốt lắm rồi!

Semmelweis chỉ đứng trơ trơ ra, không mỉm cười, cũng không thở dài được nữa. Chẳng một ai hiểu mình cả!

Trong mấy năm, lời phê bình của các bác sĩ ở khắp nơi cũng thỉnh thoảng được bạn bè gởi tới cho ông, nhưng đều một giọng: Đâu có giản dị như vậy?. Hoặc: Nguyên do là tại Khí Độc, tại Thời Tiết, tại Lên Sữa … . Người ta chỉ biết lặp lại những thuyết cũ học ở trường. Người ta cũng chẳng thèm thí nghiệm nữa, cứ thấy cái gì mới là tin chắc rằng sai!

o0o


Nhà thương nhỏ, lương không được bao nhiêu, ông thiếu hụt, ăn bận lôi thôi. Markussovsky thương hại, khuyên ông khám bệnh thêm ở nhà. Muốn vậy, cần sắm thêm vài bộ quần áo sang trọng và một con ngựa tốt. Bạn bè giúp tiền và ông nghe lời họ mở một phòng khám bệnh. Mới đầu, thân chủ chỉ lưa thưa vài người vì tuy ông giỏi và tận tâm, nhưng ông lại không khéo xã giao.

Dịp may tới, Hầu tước phu nhân Gradinish bị một chứng nan y, cho mời ông tới chẩn mạch. Bà là người quyền thế và hách nhất trong xứ, tất cả hạng quý phái đều sợ. Y sĩ nào được chẩn mạch cho bà thì sẽ nổi danh khắp nước. Semmelweis và một y sĩ nữa ngồi xe tới biệt thự, qua ba bốn lần cửa, ở mỗi cửa một tên lính hầu chực sẵn, dẫn vô phòng trong. Sau cùng, hai ông tới trước giường Hầu tước, gập mình xuống chào rồi đứng đợi. Hầu tước đưa mắt ra lệnh cho thị nữ ra ngoài.

Semmelweis lại cúi chào lần nữa, thưa:

– Xin Hầu tước cho phép.

Ông kéo mền phủ thân thể bà Hâu tước cho ngay ngắn, luồn tay xuống dưới xét.

Bạn ông khám lại một lần nữa. Rồi hai người lánh ra một góc, nói nhỏ với nhau. Một lát sau, trở lại bên giường bà Hầu tước. Hầu tước hất hàm hỏi như hỏi người ở:

– Sao?

– Bẩm Hầu tước, chúng tôi đau đớn mà thưa thực rằng Hầu tước bị chứng Ung thư tử cung.

– Chắc chắn?

– Bẩm, chắc chắn.

– Phương thuốc?

– Bẩm. Vô phương.

Hầu tước gật đầu, họ lặng lẻ đi ra.

Ngay sáng hôm sau, tin đồn khắp Châu thành và các bà quý phái nườm nượp lại phòng khám bệnh của Semmelweis. Hết giờ tiếp khách, một người bạn bảo ông:

– Thấy không? Tôi đã đoán trước rồi, phải gạt bớt ra chứ tiếp không xuể. Anh cho họ những thuốc gì?

– Chẳng cho thuốc gì cả. Họ khỏe mạnh, có bệnh gì đâu? Họ kêu hay chóng mặt, nhức đầu, ăn không ngon, ngủ không ngon, mệt. Tôi kêu họ bớt ăn thịt đi, đi bộ nhiều lên thì hết. Họ có vẻ không bằng lòng.

– Anh này điên! Tiền tới tay mà không biết nhận! Cứ kê những toa thật mắc tiền cho họ, họ sẽ rủ nhau tới nhiều hơn nữa.

– Một y sĩ không thể làm như vậy được!

– Muốn nghèo thì mặc!

Tối hôm đó, ông thao thức nhớ lại hồi còn đi học, có lần một giáo sư cho ông khám một cái mụn ở tử cung và cảm giác lần đó y như lần này. Mụn đó chỉ là một cái bướu nhỏ, không phải là ung thư. Đương đêm, ông tung mền dậy, chạy một mạch tới lâu đài của nữ Hầu tước, kéo chuông liên hồi, làm gia nhân hoảng hốt ra mở cửa. Ông sồng sộc chạy vô, hổn hển tới bên giường bà Hầu tước. Bà ta đương đọc sách, ngó lên, vẻ khinh bỉ. Ông tiến lại:

– Tôi xin lỗi Hầu tước!

– Sao vô lễ vậy?

– Một chút thôi ạ!

Ông khám lại cái mụn, đúng rồi, ông hớn hở thưa:

– Bẩm Hầu tước, về nhà tôi vẫn nghi ngờ. Lúc nãy nhớ lại, vội vàng lại đây thưa Hầu tước hay để Hầu tước khỏi lo. Không phải là ung thư, chỉ là một cái bướu thôi ạ!

– Được! Bác sĩ về đi!

Tới nhà ông mới hay mình vẫn đang mặc quần áo ngủ mà đi thăm bệnh.
Tin lại đồn vang cả Châu thành. Và từ đó, thân chủ vắng hoe. Ai mà còn muốn lại khám bệnh ở chỗ một bác sĩ “Rừng rú” tới bực đó? Semmelweis lại an phận sống trong cảnh nghèo.

o0o


Mới 36 tuổi mà tóc ông đã hoa râm. Bác sĩ Birly qua đời, ông được thay chân giáo sư sản khoa. Số chết ở phòng hộ sinh xuống tới 0,39%.

Ở Vienne, Klein chết, Carl Braun lên thế. Chắc các độc giả còn nhớ Braun, người đã đứng chờ ông ở cửa nhà thương Vienne để trả lại ông chai nước vôi pha Cơ lo. Số tử trở lại như xưa: 25 – 30%. Hébra không còn quản lý tờ Y Học Vienne nữa. Người thế chân cho đăng ngay một bài đả kích phương pháp phòng độc của Semmelweis, đoạn kết có câu:

“Chúng tôi nghĩ rằng thuyết khử độc bằng nước Chlorine đã chết từ lâu, chết hẳn rồi. … Chúng tôi khuyên độc giả đừng để cho ngụy thuyết đó làm lầm lạc nữa”

Hay những tin đó, ông chán nản. Trong lúc tinh thần đang xuống thì may mắn thay, ông gặp được một thiếu nữ, nàng Maria Weidenhofer. Nàng thì trẻ, con nhà giàu mà ông thì lớn tuổi, vẻ mặt khắc khổ, y phục lôi thôi. Nhưng lần đầu mới gặp nhau, họ đã thương nhau liền. Ông đòi theo nàng về nhà. Nàng bằng lòng; tới nơi, ông xin hỏi nàng liền. Song thân nàng rất ngạc nhiên, chưa có thiện cảm với ông nên còn do dự, hứa một năm sẽ cho cưới. Nhưng nhờ cô Maria năn nỉ cha mẹ, và nhờ tấm lòng thành khẩn của Semmelweis, hôn lễ chỉ ba tháng sau đã cử hành.

Cô Maria hiểu lòng ông, hiểu tính tình, nhất là hiểu lý tưởng của ông nên ông đã được sống nhiều năm sung sướng. Nhưng một nhà bác học, thấy lý thuyết của mình không được chấp thuận và những lời hô hào nhân đạo của mình chỉ là tiếng chuông trong sa mạc thì làm sao có thể hoàn toàn sung sướng được?

Cho nên, ngoài những giờ vui sướng với vợ con (Họ sanh được một trai, hai gái), ông vẫn như người mất hồn, cắm cổ làm việc cho hết ngày. Mà không như vậy, cũng không được vì ông không thể tin cậy bất kỳ ai trong dưỡng đường cả.

Một lần, bệnh lại phát lên dữ, làm chết nhiều sản phụ. Nhưng lạ lùng thay, các em bé đều khỏe mạnh cả. Ông suy nghĩ, cho rằng các sản phụ đã bị lây sau khi sanh. Như vậy, chỉ có thể do những tấm “Drap” dơ thôi. Nhưng drap vẫn thay đúng lệ mà? Ông phải điều tra mới tìm ra nguyên nhân: Drap tuy có thay mà không giặt! Không biết các thầy ký ở dưỡng đường có ăn hối lộ không, chỉ biết rằng người thầu giặt drap ôm những drap dơ về, chẳng giặt gì cả, ít bữa sau, đem trở lại, bảo là giặt rồi mà cũng chẳng ai kiểm soát! Ông giận dữ gói những tấm drap thành một bọc, ném lên bàn viên thư ký và mắng hắn là kẻ sát nhân.

Ông bỏ tiền túi ra mua một lúc 100 tấm drap, tặng dưỡng đường để có dư drap mà thay. Ông lại vận động với chính quyền, xin mở thêm một nhà hộ sinh nữa và soạn một cuốn sách về nguyên nhân và phương pháp trị bệnh sốt sản hậu.

Trong khi đó, các bác sĩ ở Đức vẫn bảo bệnh đó do khí độc và do sữa lên. Hàn Lâm Viện Y học ở Ba – Lê tuyên bố chỉ dùng Ký ninh là trị được?
Có bác sĩ lại nói vu vơ rằng bệnh đó gốc ở tử cung!

Bác sĩ Dubois lừng danh đương thời đăng đàn mạt sát ông là “Thằng Điên ở Pesth”, rồi kết luận rằng: Chỉ có mỗi một cách trị là đóng cửa tất cả những nhà hộ sinh.

Đọc những tin đó, Semmelweis nắm chặt tay lại, nghiến răng la lên:

– Không có trời ư? Trời không có mắt ư? Sao trời để cho họ tiếp tục giết người như vậy?

Ở bên Anh, người ta liệm hai cái thây lại chung một áo quan để thiên hạ không biết rằng chết nhiều đến bực nào!

Cô Maria lại an ủi chồng, ông gục đầu vào lòng vợ khóc nức nở.

Sách ông viết xong, rất đầy đủ và sáng sủa. Cũng chỉ có mỗi một tiếng vang nhỏ. Vài bác sĩ ở Greifswald, ở Helsingfors gởi thư về khen, hứa sẽ thí nghiệm phương pháp mới, nhưng kết quả thí nghiệm ra sao thì họ không cho biết! Một bức thư an ủi tác giả nhất được gởi từ Hanovre, của một thanh niên tên là Kugelman – Học trò của Michaelis.

Thư rằng:

“Xin giáo sư cho tôi được tỏ với giáo sư cái nỗi vui thiêng liêng của tôi khi đọc tác phẩm của giáo sư … Tôi đã không nhịn được mà phải bật ra lời này trước mặt một bạn đồng nghiệp:

– Người đó là một Jenner ° thứ nhì! (Jenner là một y sĩ Anh (1749 – 1823) đã phát minh ra phương pháp chủng đậu và viết nhiều sách về phương pháp đó).

Trong nhân loại, ít ai truyền bá được những ân huệ lớn lao và lâu bền … Và trừ vài lệ ngoại, loài người đã hành hạ những ân nhân của mình….

Tôi mong rằng giáo sư sẽ không nản chí mà tiếp tục cuộc chiến đấu vĩ đại và vẻ vang đó, cho tới lúc thành công. …”

Cùng với bức thư đó, Semmelweis nhận được một cuốn sách, trang đầu có đôi lời đề tặng này:

“Tôi trân trọng xin giáo sư nhận cuốn sách quý nhất và thân nhất của tôi này, gọi là để tỏ chút lòng biết ơn giáo sư!”

Ký tên: Kugel.Man.

Cuốn sách đó là của Jenner, xuất bản lần đầu và mang chữ ký của tác giả.
Nhưng chỉ một bức thư như vậy thì có biết bao bài báo cay độc.

Kẻ thì viết:

“Trừ Semmelweis ra, không ai nhận thấy một chút kết quả gì của phép khử độc và cái lối rửa tay kỳ dị đó! Bệnh sốt sản hậu do một nguyên nhân bí mật, chưa ai biết là gì.”

Kẻ thì nói giọng khinh bỉ:

“Dù giữ sạch sẽ đến cách nào nữa thì cũng vô hiệu, bệnh sốt sản hậu vẫn phát ra mạnh mẽ lạ lùng ở đây. Thuyết của Semmelweis phiến diện, hẹp hòi, sai lầm!”

Thì ra, từ trước tới sau, trừ mấy bạn thân ở Vienne: Skoda, Rokitansky, Hebra, một bạn thân ở Pesth là Makussovsky và vợ ông – Cô Maria, thì khắp Châu Âu, chỉ có hai người là tin chắc phương pháp của ông, tức là hai thầy trò Michaelis. Tiếc thay, Michaelis thì vì hối hận mà tự tử! Còn môn đệ ông ta thì quá trẻ, rút cục cũng chẳng giúp Semmelweis được chút gì!

o0o


Hét vào tai các bạn đồng nghiệp trong 20 năm mà vô hiệu – Họ điếc hết, điếc đặc! – Ông thay đổi chính sách.

Một buổi sáng, mới tỉnh dậy, ông nảy ra một ý, nhảy phắt xuống sàn, chạy sang phòng giấy. Ông phải đi qua phòng chung. Cô Maria hét lên:

– Mình!

Ông tươi cười quay lại. Cô hoảng hốt nhìn ông:

– Còn có các con!

Ông cúi xuống nhìn, thì ra ông quên chưa bận quần áo.

Hôm đó, ở nhà thương về, gặp một người đàn ông đứng tuổi, ông tiến lại lễ phép thưa:

– Xin lỗi ông, chắc ông chưa biết thuyết của tôi về bệnh sốt sản hậu chứ?

Người đó trố mắt nhìn ông rồi vội vàng lánh xa. Thấy một cặp thanh niên khoác tay nhau, ông lại gần:

– Cô cậu sắp làm lễ cưới phải không? Tôi phải báo trước: Sẽ nguy hiểm lắm đấy! Khi nào sanh, phải bắt bác sĩ rửa tay thậy kỹ đi nhé! Nhớ đấy!

Không thuyết phục các y sĩ được thì ông phải đi cảnh cáo từng người dân thường một. Ông đã bắt đầu loạn óc.

Tháng sau, trong cuộc họp ở trường Đại học để giải quyết các vấn đề nội bộ, viên chủ tịch hỏi ý kiến ông, ông mở một tờ giấy ra đọc:

“Tôi thề với Thượng đế tối cao, tối đại, vạn trí, vạn năng, rằng không khi nào tôi hành hạ các con bệnh của tôi …”

Đó là lời thề của các cô đỡ. Cả phòng ngơ ngác và thương hại ông. Ông đọc xong lời thề, gục đầu xuống khóc. Các bạn đỡ ông về nhà, cho vợ ông hay, bàn thầm với cô phải đưa ông đi nhà thương điên ở Vienne. Cô Maria nức nở. Ông ngạc nhiên muốn lại an ủi bà, rồi bỗng nhiên hiểu hết, tự nhủ:

“Mình điên rồi!”.

Ông hoảng hốt, toát mồ hôi, vào nằm trong phòng riêng. Một lúc sau, ông mỉm cười một cách tinh quái.

Hôm sau, ông dậy sớm, lại nhà in đưa một tờ giấy nhỏ, bảo phải in gấp, 24 giờ sau lấy. Sáng hôm sau nữa, ông trở lại nhà in hỏi. Họ đưa ông một chồng giấy in chữ đậm những hàng này:

“Hỡi các bạn thanh niên nam và nữ! Nguy đến tính mạng các bạn đấy. Bệnh sốt sản hậu rình các bạn. Các bạn phải coi chừng các y sĩ vì họ sẽ giết các bạn! Các bạn nhớ kỹ: Khi sanh, TẤT CẢ những cái gì chạm tới thân thể bạn mà không được rửa xà bông thật kỹ rồi kỳ cọ trong nước Chlorine thì các bạn sẽ chết đấy, bạn và cả con bạn. Tôi khuyên các y sĩ không được, nên phải khuyên bạn.

Bạn phải tự che chở lấy mình!

Bạn thân của các bạn: Ignace Philippe Semmelweis.”

Ông ôm giấy đó đi khắp các đường phố, gặp bất kỳ thanh niên nào cũng phân phát bắt buộc phải cầm lấy.

Xong việc, ông mỉm cười khoan khoái. Nhưng như vậy, chưa đủ cho người ta tin. Ông chạy tới nhà thương, xông vào phòng giải phẩu, gạt các sinh viên ra, nắm lấy một con dao, chém vào một tử thi vài ba nhát, cho dao dính đầy máu mủ, rồi đưa cao bàn tay trái, dùng ngay lưỡi dao đó, cắt một ngọn tay cho thành một vết thương khá sâu, sau cùng, nhúng ngón tay đang chảy máu vào đám mủ hôi thối của tử thi, ngoáy đi, ngoáy lại rồi mới thở dài bước ra. Cả phòng hoảng hốt. Ông nhất định tự tử, lấy cái chết của mình để làm gương cho thiên hạ, mở mắt cho thiên hạ, chứng tỏ cho thiên hạ rằng bệnh sản hậu do nhiễm độc mà sinh ra. Ôi chua xót! Ông hy sinh thân ông, hy sinh cả người vợ trẻ và hiền, cả ba đứa con nhỏ của ông nữa!

Một người nào đó đã nói:

“Hễ còn cây thì còn Thánh giá!”

Đúng thay và đau đớn thay lời đó! Trong lịch sử Y Học, tôi chưa thấy một sự hy sinh nào ghê gớm tới như vậy!

Hôm sau, cô Maria, Markussovsky và vài bạn thân nữa đưa ông đến nhà thương điên ở Vienne. Các bạn thân của ông ở Vienne ra đón ông ở ga, ông tươi cười chào họ.
Cô Maria phải ở ngoài, mấy lần xin vào nuôi chồng, thăm chồng mà không được phép.

Ông ở trong phòng mà cửa sổ đều có chấn song sắt. Ngón tay sưng vù lên. Cả cánh tay trái cũng sưng. Nửa thân trên nhức nhối. Tỏa cầu khuẩn (Streptocoque) đã phá phách tới bụng: Như có lưỡi dao ngoáy ở trong đó. Đồng thời với bệnh điên, ông mắc thêm bệnh sốt như sốt sản hậu.

Nửa đêm, ông tỉnh dậy. Phòng tối đen. Ông lồm cồm ngồi lên, bước xuống sàn, ra cửa, xoay quả nắm, cụng đầu vào cánh cửa la lên. Cửa mở, một người gác ngó vào hỏi:

– Chuyện gì vậy, bác sĩ?

– Khuya rồi, trễ rồi, tôi phải đi thăm con bệnh!

– Để đến sáng, bác sĩ!

– Không được! Con bệnh đang cần tôi, đợi tôi!

– Họ ngủ hết rồi, bác sĩ!

Semmelweis thoi người gác một cái rất mạnh:

– Có cho tao ra không? Quân sát nhân này! Tao phải đi chữa cho bệnh nhân của tao!

Người gác thoi lại ông mấy cái túi bụi, xô ông vô rồi khóa cửa phòng lại. Ông la hét, đập phá suốt đêm.

Ngày 13 tháng 08 năm 1865, ông nằm thoi thóp trong phòng bệnh, hai bên là bác sĩ Hebro và bác sĩ Reidel – Giám đốc bệnh viện. Ông mở mắt hỏi:

– Bác sĩ Hebro ngồi đó chứ? Tôi sẽ chiến đấu hoài, không ngừng đâu … Không khi nào!

Rồi ông tắt nghỉ mà không được thấy mặt vợ con.

Đau đớn hơn nữa là cái chết của ông kéo theo cái chết của cậu con trai tên là Bela. Cậu rất kính mến cha, ủ rủ trong mấy năm, thất vọng vì thuyết của cha không được xã hội công nhận, đã tự tử khi chỉ mới có 26 tuổi!

Ông mất được 14 năm, nhà bác học Pasteur mới kiếm ra được vi trùng Stretocoque trong máu bệnh nhân. Và lúc đó, ngưới ta mới nhận lời tiên tri của Semmelweis là đúng.

Nhưng rồi phải đợi thêm 11 năm nữa, nghĩa là vào khoảng 1890, lớp bác sĩ già, thủ cựu chết hết, lớp người trẻ có óc tân tiến lên thay, phương pháp phòng độc của Semmelweis mới lan dần, và được phổ biến.

Năm 1891, xứ Hung Gia Lợi bỗng nhiên nhận công lao của ông, hãnh diện đã sanh được một thiên tài vào hàng ân nhân của thế giới, xin bốc hài cốt của ông từ Vienne về Budapest để làm quốc táng. Nực cười nhất là cả Đức lẫn Áo đều phản đối kịch liệt, nhưng vô ích, viện cớ rằng ông là người Đức mà được đào tạo ở Áo.

Năm 1906, người ta dựng tượng cho ông và bây giờ nhân loại thoát hẳn cái kinh khủng của bệnh sốt sản hậu.

Mọi người đều nhận rằng công của ông ngang với công của ông Pasteur, rằng môn giải phẫu sở dĩ có kết quả, tấn phát mau là nhờ ông – Người đã làm một cuộc đại cách mạng trong ngành sản khoa, đã hy sinh cho chân lý mà suốt đời bị thiên hạ chê bai, khinh bỉ, có khi chưởi rủa nữa!

Ghi chú: Ngày nay, người ta biết rằng bệnh sốt sản hậu do những tỏa cầu khuẩn (Streptocoque) sinh ra. Chúng nẩy nở rất mau trong những da thịt thối nát, hoặc làm mủ. Hễ chúng vô được cơ thể, chẳng hạn qua vết thương ở ngoài da thì gây ra bệnh sốt, mê sảng, sưng màng óc, sưng phổi, sưng ruột … rất nguy cho tính mạng.

Gương Danh Nhân – Nguyễn Hiến Lê